Các bộ phận cấu thành cầu tiền tệ


Những nghiên cứu về chức năng của tiền tệ đã giúp chúng ta hiểu được tại sao các chủ thể kinh tế lại muốn nắm giữ tiền. Vì tiền là phương tiện trao đổi nên người ta cần đến tiền trước tiên là để giao dịch (tức để mua sắm hàng hoá, dịch vụ). Do có chức năng cất trữ giá trị nên tiền cũng có thể dùng làm nơi cất trữ tài sản. Tổng hợp số lượng tiền tệ mà các chủ thể trong nền kinh tế cần để thoả mãn các nhu cầu chi tiêu và tích lũy được gọi là mức cung tiền tệ.


Có thể chia nhu cầu nắm giữ tiền ra thành ba bộ phận sau tương ứng với các mục đích sử dụng tiền khác nhau gồm nhu cầu giao dịch, nhu cầu dự phòng và nhu cầu tích lũy giá trị.


1. Bộ phận cầu tiền cho nhu cầu giao dịch


Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, các gia đình đều cần tiền làm phương tiện để hoạt động giao dịch mua bán phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mình. Nhà nước cần tiền để phục vụ các hoạt động hành chính, doanh nghiệp cần tiền để mua nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân, các gia đình cần tiền để mua hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm. Tổng hợp các nhu cầu này thành nhu cầu tiền giao dịch.


Các yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu tiền giao dịch:


Thu nhập thực tế: Do nhu cầu nắm giữ tiền để giao dịch phụ thuộc vào tổng giá trị các giao dịch mà các chủ thể kinh tế dự định tiến hành, mà tổng giá trị các giao dịch này lại phụ thuộc vào thu nhập thực tế nên có thể nói thu nhập thực tế là nhân tố đầu tiên tác động đến bộ phận cầu tiền này. Thu nhập thực tế tăng lên sẽ làm cầu tiền cho giao dịch tăng lên và ngược lại.


Lợi tức dự tính của việc nắm giữ các tài sản khác: Việc quyết định để một bộ phận thu nhập nhận được dưới dạng tiền cho nhu cầu giao dịch đã khiến cho các chủ thể không thể sử dụng phần thu nhập đó để đầu tư vào các dạng tài sản sinh lời, như khoản cho vay, giữ các trái phiếu, cổ phiếu… Khi lợi tức dự tính của việc nắm giữ các tài sản sinh lời tăng lên sẽ làm cho nhu cầu tiền cho giao dịch giảm xuống và ngược lại. Trong các loại tài sản sinh lời, các khoản nợ là loại tài sản phổ biến nhất được các chủ thể kinh tế lựa chọn, do vậy, lãi suất được xem là nhân tố đặc trưng cho lợi tức dự tính của các tài sản khác. Sự biến động trong mức lãi suất sẽ gây ra những biến động ngược chiều trong cầu tiền tệ. Cũng cần lưu ý rằng, việc giữ các tài sản sinh lợi dẫn tới chi phí giao dịch, chẳng hạn phí môi giới khi bán chứng khoán, để chuyển đổi các tài sản sinh lời sang tiền cho nhu cầu giao dịch khi cần. Hơn nữa, trong một số trường hợp việc đầu tư vào các tài sản sinh lời làm phát sinh các khoản chi phí đầu tư, chẳng hạn phí môi giới chứng khoán. Khi các khoản chi phí này tăng lên sẽ làm giảm khoản lợi tức dự tính nhận được từ việc đầu tư vào các tài sản sinh lợi, kết quả là làm cầu tiền tăng.Tuy nhiên, do các chi phí này là tương đối ổn định trong ngắn hạn nên những biến động trong lãi suất vẫn được xem là nguyên nhân dẫn tới những biến động trong cầu tiền.


Tính lỏng của các tài sản sinh lời: Sự phát triển của thị trường tài chính hiện đại đã làm xuất hiện nhiều dạng tài sản tài chính có tính lỏng rất cao, khiến cho việc chuyển qua lại giữa chúng và tiền chỉ đòi hỏi một khoản chi phí rất nhỏ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế giảm thiểu số tiền nắm giữ cho nhu cầu giao dịch, do đó sẽ làm giảm nhu cầu nắm giữ tiền cho giao dịch.


2. Bộ phận cầu tiền cho nhu cầu dự phòng


Ngoài những khoản chi tiêu thường xuyên, các doanh nghiệp, gia đình thường dự trữ một khoản tiền để đáp ứng những chi tiêu bất thường, hoặc để chuẩn bị cho khi nghỉ hưu, đối phó những thời kỳ khó khăn. Đây là bộ phận cầu tiền cho các nhu cầu dự phòng.


Do là bộ phận tiền dành cho nhu cầu giao dịch chi tiêu không dự tính trước được trong tương lai nên bộ phận tiền tệ cho nhu cầu dự phòng cũng chịu ảnh hưởng bởi thu nhập thực tế của chủ thể kinh tế, lợi tức dự tính của việc nắm giữ tài sản khác ngoài tiền. Khi thu nhập thực tế tăng lên, tiền tệ cho dự phòng có xu hướng tăng lên mặc dù mối liên hệ này không được chặt chẽ như với nhu cầu tiền giao dịch49, trong khi đó, khi lãi suất tăng, tiền dự phòng lại có xu hướng giảm xuống. Nhưng nhân tố đặc trưng ảnh hưởng tới cầu tiền dự phòng lại là điều kiện vĩ mô của nền kinh tế. Khi các chủ thể không chắc chắn về mức độ giao dịch trong tương lai, họ sẽ tăng cường các khoản để giành và bộ phận tiền dự phòng tăng lên.


3. Bộ phận cầu tiền cho nhu cầu cất trữ tài sản


Đây là bộ phận cầu tiền cho nhu cầu cất trữ tài sản dưới dạng tiền. Cất trữ tài sản dưới dạng tiền thì không bị rủi ro mất vốn như khi cất trữ tài sản dưới dạng khác (gửi tiền thì ngân hàng có thể bị phá sản, đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu có thể bị mất vốn do chúng giảm giá, đầu tư vào hàng hoá cũng vậy) lại có tính lỏng cao nhất (vì có thể dùng làm phương tiện thanh toán bất cứ khi nào để thoả mãn nhu cầu chi tiêu). Tuy nhiên, do có mức sinh lời thấp (một nhân tố được các  chủ thể chú trọng khi cất trữ tài sản) nên tiền chỉ được cất trữ làm tài sản với mục đích phân tán rủi ro mà thôi.


Các nhân tố ảnh hưởng:


Thu nhập thực tế: liên hệ dương với nhu cầu tiền cho tích luỹ tài sản.


Lợi tức dự tính của việc nắm giữ các tài sản khác: tăng làm chi phí cơ hội của việc giữ tiền tăng khiến cầu tiền giảm. Đối với bộ phận cầu tiền này, lãi suất có ảnh hưởng mạnh hơn so với các bộ phận cầu tiền khác.


Rủi ro của các tài sản sinh lời khác: tăng làm cầu tiền cho nhu cầu cất trữ tài sản tăng.


Tính lỏng của các tài sản sinh lời khác: tăng làm cầu tiền cho nhu cầu cất trữ tài sản giảm

Previous
Next Post »