Từ trước đến nay, sự phân tích của chúng ta về cung, cầu thị trường dựa trên giảđịnh rằng, nhà nước không can thiệp gì vào hoạt động của thị trường. Trên thực tế, nhà nước vẫn thường tác động vào thị trường theo những cách khác nhau. Nếu nhà nước tham gia vào thị trường đơn thuần với tư cách là người mua hay người bán, nó vẫn tác động được vào giá thị trường của các hàng hoá song vẫn tôn trọng cơ chế tự cân bằng của thị trường. Chẳng hạn, khi cho rằng giá thị trường của nông sản quá thấp, không có lợi cho những người nông dân, nhà nước có thểđẩy giá nông sản lên, qua đó gián tiếp trợ giúp những người nông dân, bằng cách tham gia vào mua nông sản làm dựtrữ nhằm tăng cầu về mặt hàng này. Tuy nhiên, để làm được việc này, nhà nước thường phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lượng nông sản “dư thừa” trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, nhà nước can thiệp vào hoạt động của thị trường theo những cách khác: trợ cấp, đánh thuế hoặc kiểm soát giá hàng hoá… Ởđây, chúng ta chỉ xem xét một vài trường hợp điển hình thể hiện sự can thiệp của nhà nước trên cơ sở mô hình cầu – cung.
1. Thuế và ảnh hưởng của thuế
Khi đánh thuế vào hàng hoá, trước hết nhà nước muốn có nguồn thu nhằm trang trải cho các chương trình chi tiêu công cộng của mình. Tuy nhiên, việc đánh thuế vào các hàng hoá cụ thể với những mức thuế cao, thấp khác nhau, nhà nước có thể còn theo đuổi cả những mục tiêu khác: hạn chế hay khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng chúng. Ởđây, chúng ta chỉ phân tích xem chính sách thuế của nhà nước ảnh hưởng như thế nào đến cân bằng thị trường, đồng thời gánh nặng thuế mà nhà nước áp đặt thực sự rơi vào ai?
Giả sử trên thị trường của một loại hàng hoá, trạng thái cân bằng ban đầu được xác lập và biểu thị bằng điểm E, nơi mà đường cầu D và đường cung S1 gặp nhau. Mức giá và sản lượng cân bằng là P1, Q1. Khi chính phủ thu thuế trên mỗi đơn vị hàng hoá bán ra một lượng tiền thuế là T, những người sản xuất sẽ thấy rằng, giờđây thuếđã làm tăng chi phí cung ứng hàng hoá của họ. Nếu trước kia, khi chưa có thuế, họ sẵn sàng cung ứng một mức sản lượng Q tại mức giá P, thì sau khi bịđánh thuế, họ chỉ sẵn sàng cung ứng mức sản lượng Q như cũ nếu mức giá là P + T. Nói cách khác, thuế làm cho đường cung S1 tịnh tiến lên trên thành đường S2 một đoạn là T. Điểm cân bằng thị trường mới, sau thuế sẽ là F. Mức giá và sản lượng cân bằng sau thuế là P2, Q2. ta có P2 lớn hơn P1 và Q2 nhỏ hơn sản lượng Q1 ban đầu. Như vậy, nếu các điều kiện khác là giữ nguyên, thuế làm cho sản lượng cân bằng giảm và mức giá cân bằng tăng.
Ở ví dụ này, chúng ta giảđịnh rằng, người sản xuất sẽ phải là người nộp thuế. Cứ mỗi đơn vị hàng hoá bán ra, những người sản xuất phải nộp cho chính phủ lượng tiền thuế là T. Liệu đây có phải là gánh nặng thuế mà người sản xuất thực sự phải chịu không?
Trước khi có thuế, khi bán mỗi đơn vị hàng hoá, nhà sản xuất thu được lượng tiền là P1. Sau khi có thuế, lượng tiền ròng mà nhà sản xuất thu được từ mỗi đơn vị hàng hoá là P2 trừđi mức thuếT. Vì P2 lớn hơn P1 nên thiệt hại do thuế gây ra đối với người sản xuất không phải là toàn bộT. Ởđây, một phần gánh nặng thuế mà người sản xuất phải nộp đã được chuyển sang người tiêu dùng thông qua việc giá cả hàng hoá tăng lên. Tính theo mỗi đơn vị hàng hoá, gánh nặng thuế mà người tiêu dùng phải chịu chính là ∆P = P2 – P1. Phần còn lại (T – ∆P) mới là gánh nặng thuế mà người sản xuất thực sự phải chịu.
Việc phân phối gánh nặng thuế giữa người sản xuất và người tiêu dùng phụ thuộc vào độ co giãn của cầu và cung theo giá. Khi độ co giãn của cầu lớn hơn một cách tương đối so với của cung, gánh nặng thuế rơi vào người sản xuất là chủ yếu. Ngược lại, khi độ co giãn của cung lớn hơn một cách tương đối so với của cầu, gánh nặng thuế sẽ dồn chủ yếu vào người tiêu dùng. Hình 2.19 mô tả trường hợp thứ nhất. Trong trường hợp này, đường cầu D tương đối thoải, còn đường cung S1 tương đối dốc đứng. Với một mức thuếTđánh vào mỗi đơn vị hàng hoá, mức gia tăng về giá ∆P = P2 – P1 không nhiều. Gánh nặng thuế mà người tiêu dùng phải chịu không lớn. Phần còn lại (T – ∆P) tương đối lớn, do người sản xuất gánh chịu.
2. Vấn đề kiểm soát giá
*Giá trần: là mức giá tối đa mà nhà nước buộc những người bán phải chấp hành.
Khi thiết lập mức giá trần, mục tiêu của nhà nước là bảo vệ những người tiêu dùng. Khi mức giá cân bằng trên thị trường được xem là quá cao, bằng việc đưa ra mức giá trần thấp hơn, nhà nước hy vọng rằng, những người tiêu dùng có khả năng mua được hàng hoá với giá thấp và điều này được coi là có ý nghĩa xã hội to lớn khi những người có thu nhập thấp vẫn có khả năng tiếp cận được các hàng hoá quan trọng. Chính sách giá trần thường được áp dụng trên một số thị trường như thị trường nhà ở, thị trường vốn…
Giả sử khi nhà nước chưa can thiệp, thị trường cân bằng tại điểm E, với mức giá P* và sản lượng Q*. Nếu P* được coi là quá cao, nhà nước quy định giá trần là P1 trong đó P1 thấp hơn P*. Tại mức giá P1, lượng cung giảm xuống còn QS1đồng thời lượng cầu tăng lên thành QD1. Thị trường giờđây không còn ở trạng thái cân bằng. Trên thị trường tồn tại sự thiếu hụt hàng hoá hay sự dư cầu do lượng cầu lớn hơn lượng cung. Trên thị trường tự do, trạng thái dư cầu chỉ là tạm thời vì nó lại tạo ra áp lực tăng giá và chính điều này làm cho dư cầu dần dần bị triệt tiêu, đồng thời thị trường dịch chuyển vềđiểm cân bằng. Tuy nhiên, ởđây quy định về giá trần của nhà nước khiến cho giá cả không được phép tăng lên vượt quá mức P1. Điều này khiến cho thị trường không trở vềđược điểm cân bằng. Hậu quả của việc thiếu hụt hàng hoá là: ở mức giá P1 nhiều người tiêu dùng không mua được hàng hoá để thoả mãn nhu cầu của mình; nạn xếp hàng xuất hiện khiến cho việc mua hàng trở nên mất thời gian hơn; thị trường ngầm có cơ hội nảy sinh do sự khan hiếm hàng hoá… Những hậu quả này có thể làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng, không giống như sự kỳ vọng ban đầu của nhà nước.
*Giá sàn: là mức giá tối thiểu mà nhà nước quy định. Trong trường hợp này, người mua không thể trả giá với mức giá thấp hơn giá sàn.
Khi định ra giá sàn về một loại hàng hoá, nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của những người cung ứng hàng hoá. Khi nhà nước cho rằng mức giá cân bằng trên thị trường là thấp, nhà nước có thể quy định một mức giá sàn – với tính cách là một mức giá tối thiểu mà các bên giao dịch phải tuân thủ – cao hơn. Khi không được mua, bán hàng hoá với mức giá thấp hơn giá sàn, trong trường hợp này, những người bán hàng hoá dường như sẽ có lợi. Nhờ việc kiếm soát giá của nhà nước, họ có khả năng bán hàng hoá với mức giá cao hơn giá cân bằng thị trường. Một biểu hiện của việc định giá sàn là chính sách tiền lương tối thiểu. Khi quy định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương cân bằng trên thị trường (và chỉ trong trường hợp này, chính sách giá sàn mới có ý nghĩa), nhà nước kỳ vọng rằng những người lao động sẽ khấm khá hơn, nhờ có được mức lương cao hơn.
Hình 2.21 cho thấy một chính sách như vậy có thể dẫn đến những hậu quả gì. Khi chưa có sự can thiệp của nhà nước, thị trường lao động cân bằng tại điểm E, nơi mà đường cầu DL và đường cung SL về lao động cắt nhau. Mức lương cân bằng là w*, số lượng lao động cân bằng là L*. Giả sử nhà nước quy định mức lương tối thiểu là w1 cao hơn mức lương cân bằng w*. Tại mức lương w1, lượng cầu về lao động của các doanh nghiệp giảm xuống thành LD1, trong khi lượng cung về lao động lại tăng lên thành LS1. Thị trường rơi vào trạng thái không cân bằng, với một lương dư cung là (LS1 – LD1). Lượng dư cung này biểu thị số người thất nghiệp, tức những người muốn đi làm với mức lương w1 song lại không tìm được việc làm. Do chính sách của nhà nước, tiền lương không thể tựđiều chỉnh theo hướng hạ xuống để “khử” lượng dư cung nói trên. Nói cách khác, thị trường không còn khả năng tựđiều chỉnh để trở về trạng thái cân bằng.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù chính sách tiền lương tối thiểu được thiết kế nhằm bảo vệ lợi ích của những người lao động, song nó lại có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề. Những người được lợi nhờ chính sách này chỉ nằm trong số những người lao động may mắn có được việc làm, và số lượng những người này ít hơn trước (LD1 so với L*). Trong khi đó, số người thất nghiệp tăng lên (trong ví dụ của chúng ta, trước kia trên thị trường không tồn tại hiện tượng thất nghiệp). Trong số này có cả những người trước đây vẫn tìm được việc làm do lượng cầu về lao động là L* cao hơn LD1. Ngoài ra, do trên thị trường tồn tại hiện tượng dư cung, thế mặc cả giữa những người thuê mướn lao động và những người cung ứng lao động cũng khác trước. Những người thuê mướn lao động sẽ có một vị thế tốt hơn để có thểđưa ra những quy định bất lợi cho những người muốn xin việc. Rõ ràng, chính sách tiền lương tối thiểu nói riêng, cũng như chính sách giá sàn nói chung cũng có thể gây ra những tổn hại đáng kể cho những người mà ban đầu chính sách này muốn bảo vệ.
EmoticonEmoticon