Độ co giãn của cung


 


Độ co giãn của cung theo giá của một loại hàng hoá biểu thị mức độ phản ứng của cung hàng hoá trước sự thay đổi trong mức giá hiện hành của chính hàng hoá đó, trong điều kiện các yếu tố khác được giữ nguyên. Nó được đo bằng tỷ số giữa phần trăm thay đổi trong lượng cung và phần trăm thay đổi trong mức giá hàng hoá.  Về nguyên tắc, cách tính độ co giãn của cung theo giá không có gì đặc biệt so với cách tính các độ co giãn của cầu. Người ta cũng có thể tính độ co giãn này theo một cung hay khoảng giá cả cũng như tại một điểm giá cả. Vì lượng cung về hàng hoá thường vận động cùng chiều với sự vận động của giá cả nên thông thường độ co giãn của cung là một đại lượng dương. Giá trị của nó càng lớn, cung được xem là càng co giãn mạnh theo giá. Ví dụ, khi eS = 3, nếu giá hàng hoá tăng lên 1% sẽ kéo theo sự gia tăng trong lượng cung hàng hoá là 3%. Nếu eS = 0,5 thì khi giá hàng hoá tăng lên 1%, lượng cung hàng hoá chỉ tăng lên 0,5%. Rõ ràng, cùng một mức độ thay đổi về giá (tính theo phần trăm) là như nhau, lượng cung trong trường hợp thứ nhất dao động mạnh hơn nhiều so với ở trường hợp thứ hai. Trong trường hợp đặc biệt, khi lượng cung hàng hoá là cốđịnh ở mọi mức giá (chẳng hạn, trong một khoảng thời gian nhất định, nguồn cung vềđất đai trong cả nền kinh tế gần như là cốđịnh), độ co giãn của cung theo giá bằng 0. Cung lúc này được gọi là hoàn toàn không co giãn theo giá. Trên đồ thị, đường cung được biểu thị là một đường thẳng đứng, song song với trục tung. Trái lại, khi mà lượng cung hoàn toàn nhạy cảm với sự thay đổi của giá cảđến nỗi, bất cứ sự thay đổi nhỏ trong giá cũng kéo theo sự thay đổi lớn trong cung khiến cho giá không thể tăng lên hay giảm xuống được, thì trong trường hợp cực đoan này, đường cung lại là một đường nằm ngang. Lúc này, cung được xem là hoàn toàn co giãn theo giá và eS là vô cùng (eS = ∞). Độ co giãn của cung về một loại hàng hoá lớn hay nhỏ, tương tự nhưđiều chúng ta đã phân tích đối với độ co giãn của cầu theo giá, phụ thuộc vào, thứ nhất, mức giá hàng hoá xuất phát mà người ta xem xét; thứ hai, vào độ dốc của đường cung. Độ dốc của đường cung lại tuỳ thuộc vào tính chất của quá trình sản xuất hàng hoá. Về nguyên tắc, khi những người sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh các yếu tốđầu vào để thay đổi sản lượng phù hợp với sự thay đổi của giá cả, đường cung sẽ tương đối thoải, và độ co giãn của cung sẽ lớn. Khi sựđiều chỉnh này khó khăn, đường cung sẽ tương đối dốc đứng, và độ co giãn của cung sẽ nhỏ. Ví dụ, khi giá cả bánh kẹo tăng lên, những người sản xuất bánh kẹo có thể dễ dàng điều chỉnh đầu vào để tăng sản lượng đẩu ra hơn là những người trồng cà phê. Những giới hạn vềđất đai, điều kiện khí hậu và thời tiết khiến cho việc gia tăng sản lượng cà phê khi giá của nó tăng lên tương đối khó khăn. Vì thế, trong những điều kiện tương tự nhau, cung về cà phê thô là kém co giãn hơn so với cung về bánh kẹo. Mức độ khó hay dễ trong việc điều chỉnh các yếu tốđầu vào không chỉ phụ thuộc vào bản thân các loại hàng hoá mà còn liên quan đến yếu tố thời gian. Xét cùng một loại hàng hoá, việc thay đổi sản lượng trong dài hạn thường dễ thực hiện hơn so với trong ngắn hạn. Hãy lấy ví dụ về thị trường hoa tươi. Trong một ngày nào đó, khi những người bán hoa đã mang ra thị trường một lượng hoa nhất định, đường cung về hoa tươi trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn đó là một đường thẳng đứng. Tương ứng, cung về hoa tươi ở thời điểm chúng ta đang xem xét là hoàn toàn không co giãn. Nếu cầu về hoa tươi đột ngột tăng lên, giá hoa sẽ tăng lên mạnh để xác lập trạng thái cân bằng của thị trường. Nếu những người sản xuất cho rằng, xu hướng tăng lên trong nhu cầu về hoa tươi và động thái tăng giá của nó còn tiếp tục được duy trì trong một khoảng thời gian ngắn hạn nhất định, họ sẽ cố gắng tăng lượng cung về hoa bằng cách tận dụng các diện tích đất đai trồng hoa sẵn có và bổ sung thêm các đầu vào dễđiều chỉnh cho việc trồng và thu hoạch hoa (gieo trồng thêm những giống hoa ngắn ngày, động viên những người lao động tăng thêm giờ làm v.v…). Đường cung về hoa tươi giờđây không còn là một đường thẳng đứng mà là một đường dốc lên. Với sự gia tăng trong nhu cầu tương đương, giá cân bằng thị trường trong ngắn hạn thấp hơn mức giá cân bằng tại thời điểm cầu đột ngột tăng lên. Về dài hạn, nhu cầu về hoa tươi tăng lên sẽđược những người trồng hoa đáp ứng cả bằng cách mở rộng diện tích trồng hoa trên cơ sở thu hẹp diện tích gieo trồng các loại cây có ích khác. Kỹ thuật mới trong việc sản xuất, bảo quản và vận chuyển hoa cũng có thểđược tìm ra và áp dụng.  Khả năng có thểđiều chỉnh được mọi yếu tốđầu vào trong dài hạn khiến cho đường cung dài hạn trở thành một đường thoải hơn so với đường cung ngắn hạn. Nói cách khác, cung dài hạn tỏ ra co giãn mạnh hơn theo giá. Trong trường hợp này, nếu sự thay đổi trong cầu là tương đương, giá cân bằng dài hạn sẽ thấp hơn giá cân bằng trong ngắn hạn. Tóm lại, trong dài hạn, cung về các hàng hoá nói chung co giãn tương đối mạnh. Trong ngắn hạn, cung kém co giãn hơn. Còn tại một thời điểm, cung hoàn toàn không co giãn.

Previous
Next Post »