Giải pháp nâng cao sức mạnh trong đấu thầu quốc tế tại VN


1.      Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu

Nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về đấu thầu luôn là trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. Sau khi Nghị định 85/CP được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn đã ban hành cho phù hợp với Nghị định mới. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ về việc bổ sung sửa đổi Luật Đấu thầu và đưa vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2012-2013 của Quốc hội. Các Bộ có liên quan như Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn đã ban hành; thực hiện ban hành các văn bản hướng dẫn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

2.      Tổ chức phổ biến quán triệt thực thi pháp luật về đấu thầu và nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu

            Việc phân cấp trong đấu thầu đã và đang được các Bộ ngành, địa phương triển khai triệt để, đến tận cấp xã, phường (thậm chí hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cũng được phân cấp thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, là người có thẩm quyền trong đấu thầu). Tuy nhiên, năng lực của chủ đầu tư ở cấp huyện, xã, các trường học, bệnh viện…, của một số đơn vị tư vấn, bên mời thầu còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tổ chức phổ biến, quán triệt thi hành các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu cho chủ đầu tư, bên mời thầu, các tổ chức tư vấn thông qua đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác đấu thầu là cần thiết.

Trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, mạng lưới các đơn vị tổ chức hoạt động đào tạo về đấu thầu cũng đã từng bước được hình thành. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo còn chưa đồng đều. Do đó, trong thời gian tới, cần có các quy định cụ thể về việc quản lý chất lượng đào tạo, chương trình khung đào tạo để phát triển một mạng lưới đào tạo có chất lượng đảm bảo, góp phần triển khai sâu rộng các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, góp phần giúp việc thực thi Luật Đấu thầu được thống nhất và đúng quy định.

3.      Xây dựng và hoàn chỉnh các công cụ đăng tải thông tin

            Báo Đấu thầu đã trở thành công cụ đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng để giám sát việc công khai và minh bạch hóa thông tin của đơn vị tổ chức đấu thầu, đồng thời thống nhất thông tin về một đầu mối, giúp dễ dàng cho việc tiếp cận, tìm kiếm, quản lý thông tin cũng như giảm thiểu được các chi phí cho các đối tượng quan tâm. Việc không ngừng nâng cấp và hoàn thiện cơ chế đăng tải, nội dung đăng tải và cơ chế phát hành rộng rãi sẽ giúp các đơn vị dễ dàng hơn khi đăng ký đăng tải thông tin, nhà thầu dễ dang tiếp cận với thông tin đấu thầu, nhờ đó việc công khai thông tin trong đấu thầu ngày càng được phát huy. Do đó, trong thời gian tới, việc mở rộng phạm vi đăng tải và nâng cấp nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử cũng hết sức cần thiết để hoàn thiện và tăng cường công cụ đăng tải thông tin, đảm bảo nhanh chóng, hữu dụng nhất đối với người dùng. Đồng thời, trang thông tin điện tử về đấu thầu cần được mở rộng khai thác, đưa hình thức đấu thầu qua mạng trở thành một công cụ mạnh và hiệu quả của Nhà nước trong việc công khai, minh bạch thông tin đấu thầu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động mua sắm chính phủ. Việc triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ (đã được phê duyệt) là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục nâng cấp, mở rộng trang thông tin điện tử về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả về chức năng, nội dung và giao diện.

4.       Tăng cường phân cấp đi đôi với tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên công tác đấu thầu

Bên cạnh việc tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư tạo sự chủ động, linh hoạt trong đấu thầu thì các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên công tác đấu thầu để đảm bảo việc thực hiện của chủ đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo đạt được mục tiêu thực hiện dự án, sớm ngăn chặn, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm góp phần chấn chỉnh và chuẩn hóa hoạt động đấu thầu tại Bộ ngành, địa phương mình.

5.      Khắc phục tình trạng đề nghị chỉ định thầu tràn lan, không thực hiện theo tinh thần đã phân cấp

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước về việc áp dụng chỉ định thầu (lưu ý đối với một số tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam…). Việc áp dụng chỉ định thầu chỉ được xem xét đối với các trường hợp đã được quy định trong Luật Đấu thầu và Nghị định 85/CP. Khi áp dụng chỉ định thầu, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu có đủ điều kiện và trong trường hợp thật cần thiết (trừ trường hợp đặc biệt cần phải trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm k Khoản 2 Điều 40 Nghị định 85/CP).

Trường hợp các gói thầu đủ điều kiện áp dụng chỉ định thầu nhưng vẫn có thể tổ chức đấu thầu thì khuyến khích các đơn vị áp dụng đấu thầu rộng rãi để vừa có cơ hội lựa chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng vừa mang lại tỷ lệ tiết kiệm cao cho nền kinh tế nước nhà.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu trong năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu và Luật số 38/2009/QH12 để ban hành Luật Đấu thầu mới và đưa việc sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật số 38/2009/QH12 vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2012-2013; yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đấu thầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu; yêu cầu các Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn về đấu thầu đã ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn mới như đã được Chính phủ giao tại Điều 76 của Nghị định 85/2009/NĐ-CP; yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung tăng cường bố trí vốn và chỉ đạo việc thực hiện dứt điểm đối với các gói thầu/dự án nằm trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu và gia hạn sang năm 2011 để đảm bảo hoàn thành trước cuối năm 2011. Trường hợp không thể bố trí vốn để hoàn thành trong năm 2011, đề nghị các các Bộ ngành, địa phương chuyển sang áp dụng hình thức đấu thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác theo quy định hiện hành; yêu cầu các Bộ ngành, địa phương hạn chế việc áp dụng chỉ định thầu, đảm bảo chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới xem xét, quyết định áp dụng chỉ định thầu. Trường hợp các gói thầu đủ điều kiện áp dụng chỉ định thầu nhưng vẫn có thể tổ chức đấu thầu (như trường hợp gói thầu nằm trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu..) thì thực hiện tổ chức đấu thầu theo quy định để đảm bảo hiệu quả kinh tế và tránh gây lãng phí nguồn vốn nhà nước, không trình Thủ tướng Chính phủ xin phép áp dụng chỉ định thầu những gói thầu nằm trong thẩm quyền quyết định của mình hoặc các gói thầu không đủ điều kiện theo điểm k khoản 2 Điều 40 Nghị định 85/CP; yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo việc tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho chủ đầu tư, bên mời thầu để đảm bảo thực hiện tốt việc phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Từ các nội dung phân tích nêu trên và căn cứ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về đấu thầu, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu nhằm đảm bảo mục tiêu của công tác đấu thầu là công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Previous
Next Post »