Luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu mô hình 4 khu vực


Đối với một nền kinh tế mở cửa thì không thể không kể đến hành vi kinh tế của khu vực nước ngoài. Khu vực nước ngoài mua sản phẩm và dịch vụ do các xí nghiệp trong nước sản xuất. Bán sản phẩm và dịch vụ cho các xí nghiệp trong nước. Thông qua thị trường tài chính cho các xí nghiệp và các hộ gia đình trong nước vay tiền.



Xuất khẩu ròng (NX) là chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu: Nếu xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu có luồng tiền chảy từ khu vực nước ngoài vào khu vực xí nghiệp (Cán cân thương mại thặng dư). Nếu xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu có luồng tiền chảy từ khu vực xí nghiệp ra nước ngoài (Cán cân thương mại bị thâm hụt).


Tổng thu nhập luôn luôn ngang bằng với tổng chi tiêu


Xét khu vực xí nghiệp có 4 luồng tiền chảy vào khu vực này: C, I, G và NX. Đó là tổng giá trị kết quả sản xuất của khu vực xí nghiệp và cũng là tổng chi tiêu về sản phẩm và dịch vụ cuối cùng nội địa.


Tổng giá trị kết quả sản xuất của khu vực xí nghiệp, sau khi trích khấu hao, phải được dùng để chi phí cho các yếu tố sản xuất đã sử dụng để chuyển thành tổng thu nhập của khu vực gia đình.


Do đó, tổng thu nhập của các yếu tố sản xuất (Y) phải ngang bằng với luồng tổng chi tiêu (C, I, G, NX) của nền kinh tế.


Y = C + I + G + NX


Giá trị sản lượng (GDP) cũng luôn ngang bằng với tổng chi tiêu và tổng thu nhập. Trong mô hình này, tổng chi tiêu chỉ bao gồm các chi tiêu để mua sản phẩm cuối cùng, nội địa.


Tuy nhiên, vì có chính phủ nên thành phần của tổng thu nhập, ngoài việc bao gồm cả khấu hao giống như ở mô hình trước, còn phải cộng thêm thuế gián thu. Nếu khu vực xí nghiệp có nhận trợ cấp hay trợ giá của chính phủ thì phải trừ phần trợ cấp đó ra khỏi thu nhập.


Khu vực hộ gia đình:


Có một luồng tiền chảy vào khu vực hộ gia đình đó là thu nhập (Y), có 3 luồng tiền chảy ra khỏi khu vực gia đình là: tiêu dùng (C), tiết kiệm (S) và thuế ròng (TN).

Thu nhập khả dụng (YD) của khu vực hộ gia đình là chênh lệch giữa thu nhập (Y) và thuế ròng (TN)


YD = Y – TN


Tiết kiệm (S) là chênh lệch giữa thu nhập khả dụng và chi tiêu tiêu dùng (C)


S = YD – C


hoặc S = Y – TN – C


Từ định nghĩa trên của tiết kiệm ta suy ra: Y = C + S + TN


Đẳng thức xuất khẩu ròng và đầu tư nước ngoài ròng.


Thuật ngữ đầu tư nước ngoài ròng ám chỉ lượng tài sản nước ngoài do các nhà đầu tư trong nước mua của nước ngoài trừ đi lượng tài sản trong nước do người nước ngoài mua (NFI).


Xuất khẩu ròng phản ánh sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia. Đầu tư nước ngoài ròng phản ánh sự chênh lệch giữa lượng tài sản nước ngoài do cư dân trong nước mua với lượng tài sản trong nước do người nước ngoài mua.


Nếu tính trên bình diện cả nền kinh tế thì đầu tư nước ngoài ròng luôn luôn bằng xuất khẩu ròng:


NFI = NX


Sự bằng nhau giữa đầu tư nước ngoài ròng xuất phát từ một thực tế là mọi giao dịch quốc tế đều là sự trao đổi. Khi nước bán hàng chuyển giao hàng hoá và dịch vụ cho nước mua, nước mua từ bỏ một tài sản nào đó để có được hàng hoá hoặc dịch vụ này. Giá trị của tài sản đó bằng giá trị của hàng hoá và dịch vụ mà một nước bán ra (NX) phải bằng giá trị ròng của tài sản thu được (NFI). Luồng chu chuyển của hàng hoá và dịch vụ và luồng chu chuyển vốn quốc tế chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề.


Để xem tại sao đồng nhất thức kế toán này lại đúng, chúng ta hãy xét một ví dụ. Chúng ta hãy giả định rằng Boeing, một nhà sản xuất máy bay Mỹ, bán một số phi cơ cho một hãng hàng không của Nhật. Trong giao dịch này, công ty Mỹ giao máy bay cho công ty Nhật và công ty Nhật trả đồng yên cho công ty Mỹ. Cần chú ý rằng, hai giao dịch này xảy ra đồng thời. Nước Mỹ đã bán cho Nhật một phần sản lượng của nó (máy bay) và điều này làm cho xuất khẩu ròng của Mỹ tăng lên. Ngoài ra, nước Mỹ thu về một số tài sản (đồng yên) và điều này làm tăng đầu tư nước ngoài ròng của Mỹ.


Mặc dù có nhiều khả năng Boeing không giữ đồng yên thu được từ hoạt động bán hàng này, nhưng bất kỳ giao dịch tiếp nào cũng vẫn bảo đảm sự bằng nhau giữa xuất khẩu ròng và đầu tư ròng. Ví dụ, Boeing bán đồng yên cho một quỹ hỗ tương để lấy đô la vì quỹ này đang cần đồng yên để mua cổ phiếu của công ty Sony, một công ty sản xuất đồ điện tử gia dụng của Nhật. Trong trường hợp này, xuất khẩu ròng về máy bay của Boeing đúng bằng đầu tư ròng vào cổ phiếu của công ty Sony mà quỹ hỗ tương đã thực hiện. Do vậy, NX và NFI tăng một lượng như nhau.


Boeing cũng có thể làm theo cách khác. Nó đổi đồng yên để lấy đô la của một công ty Mỹ khác đang muốn mua máy tính do công ty máy tính Toshiba của Nhật sản xuất. Trong trường hợp này, nhập khẩu máy tính của Mỹ bù trừ cho xuất khẩu máy bay của Mỹ. Tác động đồng thời của việc bán hàng do Boeing và Toshiba thực hiện không làm thay đổi xuất khẩu ròng và đầu tư ròng của Mỹ. Nói cách khác, NX và NFI vẫn nguyên như trước khi các giao dịch xảy ra.


Sự bằng nhau giữa đầu tư nước ngoài ròng và xuất khẩu ròng xuất phát từ một thực tế là mọi giao dịch quốc tế đều là sự trao đổi. Khi nước bán hàng chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho nước mua, nước mua từ bỏ một tài sản nào đó để có được hàng hóa hoặc dịch vụ này. Giá trị của tài sản đó bằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ bán ra. Nếu chúng ta cộng mọi thứ lại với nhau, giá trị ròng của hàng hóa dịch vụ mà một nước bán ra (NX) phải bằng giá trị ròng của tài sản thu được (NFI). Luồng chu chuyển của hàng hóa dịch vụ và luồng chu chuyển vốn quốc tế chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề.


Tiết kiệm, đầu tư và mối quan hệ giữa chúng với luồng chu chuyển quốc tế


Tổng sản phẩm trong nước (Y) của nền kinh tế bao gồm bốn thành tố: tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (NX). Chúng được biểu thị:


Y = C + I + G + NX


Tiết kiệm quốc gia là phần thu nhập của quốc gia còn lại sau khi đã chi tiêu cho tiêu dùng của tư nhân và chính phủ. Tiết kiệm quốc gia S = Y – C – G, Viết lại phương trình trên:


Y – C- G = I + NX


S = I + NX


Do xuất khẩu ròng NX bằng đầu tư nước ngoài ròng, nên phương trình trên có thể viết thành:


S = I + NFI


Tiết kiệm = Đầu tư trong nước + Đầu tư nước ngoài ròng


Phương trình này cho thấy tiết kiệm quốc gia phải bằng đầu tư trong nước cộng với đầu tư nước ngoài ròng. Nói cách khác, khi công dân một nước tiết kiệm 1 đô la từ thu nhập cho tương lai, thì họ có thể dùng 1 đô la đó cho việc mua tài sản trong nước hay tài sản nước ngoài.


Khi bàn về vai trò của hệ thống tài chính chúng ta đã xem xét đồng nhất thức này trong trường hợp đặc biệt của nền kinh tế đóng. Trong nền kinh tế đóng, đầu tư nước ngoài ròng bằng không (NFI=0) và do vậy đầu tư bằng tiết kiệm. Ngược lại, nền kinh tế mở có thể dùng tiết kiệm vào hai việc: đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.


Cũng như trước, hệ thống tài chính đứng giữa hai vế của đồng nhất thức này. Ví dụ, gia đình ông Tiến quyết định tiết kiệm một phần thu nhập để lo lúc về già. Quyết định này đóng góp vào tiết kiệm quốc gia, tức vế trái của phương trình. Nếu gia đình ông Tiến gửi tiết kiệm của họ vào một quỹ hỗ tương và nếu quỹ này mua cổ phiếu của công ty AGIFISH, công ty đó có thể dùng tiền để xây dựng nhà máy ở An Giang. Ngoài ra, quỹ này có thể dùng một phần tiết kiệm đó để mua cổ phiếu của Cty Toyota và công ty này dùng vốn đó để xây dựng nhà máy ở Osaka. Những giao dịch này được ghi ở vế phải của phương trình. Đứng trên quan điểm hạch toán của Việt nam, chi tiêu của AGIFISH được ghi là đầu tư trong nước, việc mua cổ phiếu của Toyota của một công dân Việt nam là đầu tư nước ngoài ròng. Như vậy, tất cả các khoản tiết kiệm của Việt nam đều được ghi là đầu tư trong nền kinh tế Việt nam và đầu tư nước ngoài ròng của Việt nam.

Previous
Next Post »