Lý thuyết về cầu tiền của trường phái Cambridge


Trong khi Irving Fisher đang phát triển quan điểm học thuyết số lượng tiền tệ của mình về cầu tiền thì một nhóm các nhà kinh tế thuộc đại học Cambridge, Anh đại diện là Alfred Marshall và A.C. Pigou cũng đang nghiên cứu cùng vấn đề đó.


Mặc dù sự phân tích của họ đưa đến một phương trình tương tự như phương trình cầu tiền của Fisher (M d = k × PY ), nhưng cách tiếp cận của họ khác với cách tiếp cận của Fisher. Thay vì nghiên cứu cầu tiền tệ bằng cách chỉ nhìn vào mức giao dịch và cách thức các chủ thể kinh tế tiến hành giao dịch, coi đó là những yếu tố quyết định chủ chốt, những nhà kinh tế thuộc đại học Cambridge đặt câu hỏi xem các cá nhân sẽ muốn giữ bao nhiêu tiền. Theo các nhà kinh tế đại học Cambridge, các cá nhân có sự linh hoạt trong quyết định nắm giữ tiền và không bị ràng buộc ở cách thức giao dịch (tức là quyết định nắm giữ bao nhiêu tiền của họ không phụ thuộc vào việc họ dùng tiền mặt hay tiền tín dụng trong giao dịch). Có hai lý do khiến người ta muốn nắm giữ tiền:


Tiền là phương tiện trao đổi cho nên người ta cần tiền để tiến hành các giao dịch của mình.


Các nhà kinh tế đại học Cambridge đồng ý với Fisher rằng số lượng tiền tệ mà các cá nhân muốn nắm giữ sẽ phụ thuộc vào mức độ giao dịch và do vậy sẽ phụ thuộc vào thu nhập danh nghĩa (PY). Tuy nhiên chỉ có bộ phận cầu tiền dành cho giao dịch là tỷ lệ với thu nhập danh nghĩa mà thôi.


Khác với Fisher, các nhà kinh tế đại học Cambridge cho rằng người ta còn nắm giữ tiền như là phương tiện cất giữ của cải cho nên mức của cải của con người cũng ảnh hưởng đến cầu tiền tệ. Bởi vì những nhà kinh tế đại học Cambridge tin rằng giá trị danh nghĩa của của cải tỷ lệ với thu nhập danh nghĩa cho nên bộ phận cầu tiền cho mục đích cất trữ của cải cũng tỷ lệ với thu nhập danh nghĩa.


Từ đó các nhà kinh tế đại học Cambridge kết luận rằng cầu tiền phải tỷ lệ với thu nhập danh nghĩa và biểu thị hàm số cầu tiền tệ như sau:


M d = k × PY (với k là hằng số của tỷ lệ)


Mặc dù các nhà kinh tế đại học Cambridge coi k là hằng số và đồng ý với Fisher rằng thu nhập danh nghĩa do lượng tiền tệ quyết định nhưng cách tiếp cận của họ cho phép các cá nhân lựa chọn muốn nắm giữ bao nhiêu tiền. Điều này cho phép k có thể biến động trong thời hạn ngắn bởi vì những quyết định dùng bao nhiêu tiền để cất giữ của cải phụ thuộc vào lợi tức dự tính về các tài sản khác mà cũng hoạt động như phương tiện cất giữ của cải. Nếu lợi tức dự tính của các tài sản khác thay đổi thì k cũng có thể thay đổi. Hệ số k vì thế còn được gọi là hệ số “ưa thích tiền” vì nó cho chúng ta biết các chủ thể kinh tế muốn nắm giữ bao nhiêu tiền trong tổng thu nhập của mình.


Tóm lại, cả hai, Irving Fisher và các nhà kinh tế trường phái Cambridge đã phát triển một cách tiếp cận cổ điển về cầu tiền, theo đó cầu tiền tỷ lệ với thu nhập danh nghĩa. Tuy nhiên, hai cách tiếp cận của họ khác nhau ở chỗ Fisher nhấn mạnh các nhân tố kỹ thuật giao dịch và bác bỏ mọi khả năng của lãi suất ảnh hưởng đến cầu tiền tệ trong ngắn hạn, trong khi trường phái



Cambridge nhấn mạnh sự lựa chọn của cá nhân và không bác bỏ những ảnh hưởng của lãi suất mặc dù họ cũng không khai thác những ảnh hưởng rõ ràng của lãi suất đối với cầu tiền tệ.

Previous
Next Post »