* Sự tồn tại của độc quyền nói riêng (và thị trường cạnh tranh không hoàn hảo nói chung).
Nhưở chương 6 chúng ta đã chỉ ra, có nhiều nguyên nhân khiến cho trên thực tế các thị trường cạnh tranh hoàn hảo khó xuất hiện. Các thị trường nói chung là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Các doanh nghiệp trong trường hợp này ít nhiều là các tổ chức có quyền lực thị trường, do đó chúng có khả năng định giá vượt quá mức chi phí biên của đơn vị sản lượng cuối cùng. Khi đó, điều kiện đảm bảo hiệu quả Pareto bị vi phạm. Sản lượng thị trường không phải là sản lượng hiệu quả.
Ta hãy lấy trường hợp mà tổn thất hiệu quả thường bộc lộ rõ ràng nhất là trường hợp độc quyền làm ví dụ. Để tối đa hóa lợi nhuận, nhà độc quyền sẽ lựa chọn sản lượng sao cho tại đơn vị sản lượng cuối cùng, chi phí biên MC bằng doanh thu biên MR. Tuy nhiên, đường cầu đối diện với nhà độc quyền (trong trường hợp này đó cũng chính là đường cầu thị trường) là một đường dốc xuống. Do đó, mức giá P luôn luôn lớn hơn mức doanh thu biên ở mỗi điểm sản lượng. Vì vậy, tại mức sản lượng tối ưu, mức giá P mà doanh nghiệp độc quyền đặt phù hợp với đường cầu thị trường, sẽ lớn hơn chi phí biên MC tương ứng. Trong trường hợp này, sản lượng thị trường thấp hơn sản lượng hiệu quả và xã hội phải gánh chịu một tổn thất hiệu quả nhất định do độc quyền gây ra.
Trên đồ thịở hình 10.4, sản lượng hiệu quảđối với xã hội là mức sản lượng q*, tương ứng với điểm cắt của đường chi phí biên MC với đường cầu thị trường D. Sản lượng tối đa hóa lợi nhuận đối với nhà độc quyền là q1, tương ứng với giao điểm của đường chi phí biên MC và đường doanh thu biên MR. Vì MR nằm phía trong đường cầu, biểu thịMR thấp hơn Pở mỗi mức sản lượng dương, nên sản lượng q1 nhỏ hơn sản lượng q*. Lượng tổn thất hiệu quả xã hội – tức lượng mất mát trong lợi ích ròng xã hội, được biểu thị bằng diện tích tam giác EFH.
* Ngoại ứng
– Khái niệm: Ngoại ứng xuất hiện khi một quá trình sản xuất hay tiêu dùng hàng hóa hay dịch vụ nào đó tác động (gây thiệt hại hay mang lại ích lợi) đến cả những người không trực tiếp tham gia vào các giao dịch thị trường.
Khi tham gia vào các giao dịch thị trường, người ta phải trả tiền để nhận được những lợi ích mong muốn. Ví dụ, để có được những hàng hóa hữu ích dành cho tiêu dùng, chúng ta phải bỏ tiền ra để mua sắm chúng. Ngược lại, khi bị thiệt hại, người ta sẽ nhận được khoản tiền đền bù. Chẳng hạn, khoản tiền lương mà những người công nhân làm trong một nhà máy lắp ráp xe máy nhận được chính là khoản đền bù mà người chủ nhà máy chi trả cho việc “buộc” những người công nhân này phải hy sinh những giờ nghỉ ngơi để làm việc. Khi ngoại ứng tồn tại, người ta có thể nhận được những khoản lợi ích mà không phải trả tiền hoặc bị thiệt hại mà không được đền bù. Ví dụ, hoạt động sản xuất xi măng của một doanh nghiệp có thể gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho vùng xung quanh nhà máy. Những người sống ở vùng này có thể sẽ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, phải sử dụng nguồn nước kém trong sạch mà không được đền bù. Trong trường hợp này, ta nói, hoạt động sản xuất xi măng nói trên đã gây ra một ngoại ứng.
– Ngoại ứng tích cực và ngoại ứng tiêu cực
Khi một quá trình sản xuất hay tiêu dùng hàng hóa (hoặc dịch vụ) gây thiệt hại cho ai đó mà người này không được đền bù thì ta nói quá trình đó đã gây ra một ngoại ứng tiêu cực. Nói cách khác, ngoại ứng tiêu cực xảy ra trong trường hợp một hoạt động sản xuất hay tiêu dùng nào đó tác động tiêu cực (tạo ra một tổn hại hay chi phí) cho người khác song người gây ra tác động lại không bị trừng phạt bởi những gì mà anh ta gây ra. Tác động gây ô nhiễm môi trường của việc sản xuất xi măng nói trên là ví dụđiển hình của một ngoại ứng tiêu cực.
Ngược lại, một hoạt động sản xuất hay tiêu dùng nhất định có thể gây ra ngoại ứng tích cực nếu như nó đem lại lợi ích cho một người nào đó mà người này không phải trả tiền. Chẳng hạn, việc chúng ta sửa chữa hay xây dựng ngôi nhà của mình có thể làm đẹp thêm cả ngôi nhà của người hàng xóm nếu như ngôi nhà của ta được thiết kế một cách cẩn trọng và tỏ ra hài hòa với những ngôi nhà xung quanh. Trong trường hợp này, người hàng xóm đã được thụ hưởng một ngoại ứng tích cực: anh ta được lợi mà không phải tốn kém gì thêm.
– Ngoại ứng và sự phân bổ nguồn lực không hiệu quả của thị trường: Ở trên, chúng ta nói rằng, khi thị trường là thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì sản lượng cân bằng thị trường chính là sản lượng hiệu quả Pareto. Thật ra điều khẳng định đó chỉđúng với giảđịnh rằng mọi hành vi sản xuất hay tiêu dùng có liên quan đến thị trường này đều không gây ra ngoại ứng.
Khi không có ngoại ứng, lợi ích hay chi phí xã hội trong việc sản xuất hay tiêu dùng một khối lượng hàng hóa nào đó được thể hiện chính bằng lợi ích hay chi phí mà chính những cá nhân trực tiếp tham gia vào các giao dịch thị trường có liên quan được thụ hưởng hay bị gánh chịu. Nói một cách quy ước: trong trường hợp này, lợi ích hay chi phí xã hội cũng chính là lợi ích hay chi phí tư nhân. Ví dụ, khi việc sản xuất 1 tấn bánh trung thu của doanh nghiệp A không gây ra một ngoại ứng nào (tức sự kiện này không gây ra một tổn hại – chi phí nào cũng như không đem lại thêm một lợi ích nào cho những người không tham gia vào việc mua bán bánh) thì chi phí (về nguồn lực) của xã hội để tạo ra tấn bánh trên được đo chính bằng chi phí kinh tếđể sản xuất ra tấn bánh trên của doanh nghiệp A. Nếu việc cá nhân B tiêu dùng bánh (ăn một cái bánh chẳng hạn) không gây ra ngoại ứng gì (không đem lại lợi ích cũng như không làm thiệt hại gì đến người khác) thì lợi ích xã hội của việc tiêu dùng chiếc bánh trên sẽđược biểu hiện chính bằng độ thỏa dụng mà B có được do ăn chiếc bánh trên.
Trái lại, khi ngoại ứng xuất hiện, lợi ích hay chi phí xã hội trong việc sản xuất hay tiêu dùng một khối lượng hàng hóa nào đó sẽ không trùng khớp với lợi ích hay chi phí của các cá nhân (ta gọi là lợi ích hay chi phí tư nhân). Chẳng hạn, nếu việc sản xuất hàng hóa của một doanh nghiệp gây ra ô nhiễm đối với môi trường và những người dân sinh sống xung quanh không được doanh nghiệp đền bù gì thì chi phí xã hội của việc sản xuất một khối lượng hàng hóa nhất định, ngoài những chi phí kinh tế mà doanh nghiệp phải bỏ ra hay hy sinh còn phải bao hàm cả những tổn hại về môi trường mà người dân phải gánh chịu do có việc sản xuất trên. Trong trường hợp ngoại ứng tiêu cực này, chi phí xã hội của việc sản xuất một khối lượng hàng hóa nhất định rõ ràng lớn hơn chi phí tư nhân của các nhà sản xuất.
Trên thị trường khi tham gia vào các giao dịch mua bán hàng hóa, những người sản xuất hay tiêu dùng chỉ quan tâm đến những chi phí và lợi ích trực tiếp mà chính họ phải bỏ ra hay được thụ hưởng. Vì thế, giá cả thị trường, phản ánh quá trình mặc cả của những người này, trên thực tế chỉ phản ánh các chi phí và lợi ích tư nhân (của những ai trực tiếp tham gia giao dịch). Khi ngoại ứng xuất hiện, giá cả thị trường không thể hiện và phản ánh đầy đủ chi phí hay lợi ích đứng trên quan điểm xã hội. Do vậy, trong trường hợp này, sản lượng cân bằng thị trường không còn là sản lượng hiệu quả xã hội, cho dù thị trường là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Ví dụ, khi quá trình sản xuất hàng hóa gây ra ngoại ứng tiêu cực, đường chi phí biên xã hội nằm cao hơn đường chi phí biên tư nhân của những người sản xuất. Kết quả là sản lượng thị trường có xu hướng cân bằng (tương ứng với giao điểm của đường chi phí biên tư nhân và đường thỏa dụng biên tư nhân) ở mức cao hơn mức sản lượng hiệu quả xã hội (tương ứng với giao điểm của đường chi phí biên xã hội và đường thỏa dụng biên xã hội). Ngược lại, nếu ngoại ứng tích cực xuất hiện, sản lượng cân bằng thị trường lại thấp hơn sản lượng hiệu quả xã hội. Ta có thể thấy những điều đó qua các hình minh họa 10.5 và 10.6 dưới đây.
* Vấn đề hàng hóa công cộng
Xét theo tính chất tiêu dùng, người ta chia thế giới hàng hóa (hay dịch vụ) ra làm hai loại: hàng hóa tư nhân và hàng hóa công cộng.
Hàng hóa tư nhân là những hàng hóa mà xét theo tính chất tiêu dùng, người ta có thể và cần phải sử dụng riêng.
Hàng hóa công cộng là những hàng hóa mà xét theo tính chất tiêu dùng, người ta có thể và cần phải tiêu dùng chung.
Một hàng hóa công cộng thuần túy có hai đặc tính: Thứ nhất, tính không cạnh tranh về phương diện tiêu dùng. Khi hàng hóa có tính chất này, lợi ích giữa những người tiêu dùng không cạnh tranh hay xung đột với nhau. Nếu một người đã sử dụng hay tiêu dùng hàng hóa thì sự kiện này không ảnh hưởng đến khả năng hay thực tế tiêu dùng hàng hóa của người khác. Ví dụ, ngọn hải đăng là một hàng hóa như vậy. Ở ngoài khơi, khi một con tàu biển nhìn vào ngọn hải đăng (tức sử dụng hay tiêu dùng ngọn hải đăng) để xác định phương hướng, nó không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngọn hải đăng này của các con tàu khác. Ta nói, ngọn hải đăng là hàng hóa có tính không cạnh tranh về mặt tiêu dùng. Thứ hai, tính không thể loại trừ về mặt tiêu dùng, tức người sở hữu hàng hóa, ngay cả khi muốn, cũng không có khả năng ngăn cản loại trừ một người nào đó sử dụng hay tiêu dùng hàng hóa. Hãy trở lại với ví dụ về ngọn hải đăng. Một khi nó đã được một ai đó lắp đặt trên biển, mọi con tàu khi đi vào vùng biển có ngọn hải đăng đều có khả năng sử dụng ánh sáng của nó, dù cho người sở hữu ngọn đèn muốn hay không muốn.
Do những đặc tính nói trên của hàng hóa công cộng mà việc cung cấp nó một cách có hiệu quả thông qua thị trường tư nhân có thể không thực hiện được. Chẳng hạn, khi hàng hóa có tính chất không thể loại trừ, vấn đề “kẻăn không” sẽ xuất hiện. Một khi mà người sở hữu hàng hóa không có khả năng ngăn cản người khác sử dụng hàng hóa, thì những kẻ ‘khôn ngoan” sẽ có xu hướng sử dụng “nhờ” hàng hóa của người khác mà không muốn trực tiếp trả tiền để mua sắm hàng hóa. Khi mọi người đều không muốn trả tiền để mua sắm hàng hóa, thị trường tư nhân sẽ không thể cung cấp được loại hàng hóa này, cho dù nó có quan trọng như thế nào đối với xã hội. Đây chính là một thất bại quan trọng của thị trường.
* Vấn đề thiếu hụt thông tin
Như chúng ta đã biết, một trong những điều kiện để tồn tại thị trường cạnh tranh hoàn hảo là những người mua hay người bán phải có đủ thông tin về thị trường. Khi tham gia vào các giao dịch thị trường, họ phải có được những thông tin cần thiết về chất lượng hàng hóa, tính năng, tác dụng của nó, các điều kiện giao dịch hay mua bán, giá cả hàng hóa, những dịch vụ sau bán hàng kèm theo… Chỉ trong điều kiện đó, những người sản xuất hay tiêu dùng, người mua hay bán hàng hóa mới có khả năng ra quyết định chính xác, hiệu quả, phù hợp với tình hình thị trường.
Tuy nhiên, việc thu thập thông tin về thị trường không phải lúc nào cũng dễ dàng và không tốn kém. Sự thiếu hụt thông tin ở người sản xuất hay tiêu dùng hay cả cả hai là điều thường xảy ra. Giữa những người sản xuất và những người tiêu dùng thường tồn tại hiện tượng thông tin bất cân xứng – một bên nào đó có ít thông tin về thị trường hơn bên kia. Trong những trường hợp này, những người sản xuất hay tiêu dùng sẽ không đánh giá được chính xác chi phí và lợi ích liên quan đến hàng hóa mà họ tham gia trao đổi. Quyết định của họ, phù hợp với trạng thái thông tin mà họ có, sẽ trở nên không hiệu quả. Sản lượng cân bằng thị trường, vì thế, trở nên hoặc cao hơn hoặc thấp hơn sản lượng hiệu quả. Chẳng hạn, giả sử người tiêu dùng không đánh giá chính xác được chất lượng của một hàng hóa nào đó. (Với những loại hàng hóa như máy tính, ô tô, thuốc chữa bệnh, các dịch vụ y tế hay giáo dục… thật không dễ dàng gì khi đánh giá chất lượng của các hàng hóa trước khi thật sự tiêu dùng chúng). Nếu nhận định của họ về chất lượng hàng hóa cao hơn so với chất lượng thực tế của nó thì đường cầu của những người tiêu dùng về loại hàng hóa này trên thị trường sẽ cao hơn đường cầu phản ánh chất lượng thực của hàng hóa. Trong điều kiện các yếu tố khác giữ nguyên, giá cả và sản lượng cân bằng thị trường sẽ cao hơn giá cả và sản lượng hiệu quả. Nói cách khác, thị trường sẽ giao dịch ở mức không hiệu quả. Ởđây chính sự ngộ nhận về chất lượng hàng hóa khiến cho nó được sản xuất và tiêu dùng quá mức cần thiết. Ngược lại, khi người tiêu dùng không nhận biết và do đó bỏ qua một sốđặc tính tốt của một loại hàng hóa nào đó (ví dụ hoa quả, rau xanh …), họ có thể tiêu dùng nó dưới mức hiệu quả.
Sự thiếu hụt hay bất cân xứng về thông tin có thể làm cho các giao dịch thị trường không xảy ra được. Chẳng hạn, trên thị trường vốn, so với người cho vay, người đi vay dường như nắm giữ chính xác hơn những thông tin về dự án mà anh ta cần vay vốn. Anh ta thường biết rõ thực chất của việc đi vay vốn: nó thực sự xuất phát từ một ý tưởng kinh doanh táo bạo song nghiêm túc hay chỉ là một hành vi “lừa đảo” – người đi vay cần tiền để trang trải cho các nhu cầu khác nào đó nằm ngoài dự án. Không đánh giá đúng giá trị của một ý tưởng hay một phát minh, không phân biệt được tính khả thi cao hay thấp, độ rủi ro nhiều hay ít của các dự án kinh doanh, một ngân hàng có thể từ chối việc cho vay vốn đối với người có ý tưởng hay phát minh tốt, có dự án kinh doanh khả thi, cho dù nếu thực sựđược vay vốn, cả người đi vay lẫn cho vay đều có lợi.
* Vấn đề phân phối thu nhập
Nguyên tắc phân phối thu nhập theo cơ chế thị trường: Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của mỗi người được hình thành từ nhiều hình thức khác nhau: tiền công, tiền lương từ việc cung ứng dịch vụ lao động; tiền thuê đất hay địa tô từ việc cho thuê đất; tiền thuê vốn có được từ việc cho thuê nhà xưởng, máy móc thiết bị; tiền lãi (khoản thanh toán lãi suất) thu được từ những khoản tiền cho vay hay gửi vào ngân hàng; tiền lãi cổ phần… Lợi nhuận mà một người chủ doanh nghiệp có thể thu được thường là biểu hiện hỗn hợp của các khoản thu nhập trên. Chẳng hạn, với tư cách là một cổđông thuần túy, phần lợi nhuận của doanh nghiệp mà anh ta được chia chính là tiền lãi cổ phần. Nếu anh ta là người chủ duy nhất của doanh nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp chính là thu nhập của anh ta. Lợi nhuận này thực chất một phần là tiền thuê vốn (nhà máy, thiết bị…) mà với tư cách là người chủ sở hữu vốn anh ta được hưởng. Nếu mảnh đất mà trên đó doanh nghiệp xây dựng nhà máy… cũng thuộc sở hữu của người chủ, thì trong lợi nhuận của anh ta có một phần là tiền thuê đất. Hoạt động của anh ta với tư cách là người quản lý, điều hành doanh nghiệp đáng lẽ có thểđem lại cho anh ta một khoản thu nhập dưới dạng tiền lương. Nếu anh ta không tự trả lương cho mình, thì trong lợi nhuận (kế toán) mà anh ta kiếm được có một phần chính là tiền lương lao động của chính người chủ.
Do thu nhập được hình thành từ việc bán các yếu tố sản xuất nên thu nhập của một người cao hay thấp tùy thuộc vào: lượng các yếu tố sản xuất mà người này có thể cung ứng trên thị trường, cũng như mức giá thị trường của các yếu tố sản xuất đó. Nói chung giá các yếu tố sản xuất trên thị trường, như chúng ta đã biết, phụ thuộc vào mức độ khan hiếm tươ đối (trong tương quan giữa cung và cầu) của chúng trên thị trường. Một yếu tố sản xuất sẽđắt (giá của một đơn vị yếu tố sản xuất sẽ cao) nếu như nhu cầu về nó là rất cao so với khả năng cung ứng. Sở dĩ những cầu thủ bóng đá tài năng hay những diễn viên, ca sĩ “ngôi sao” thường nhận được mức lương rất cao vì nguồn cung lao động của những người tài năng đặc biệt như vậy là rất khan hiếm và hầu như không co giãn theo lương, trong khi đó, nhu cầu về loại lao động này lại rất cao do sản phẩm đầu ra của họ mang tính đại chúng, do đó, có một thị trường rộng lớn. Ngược lại, giá thuê một loại yếu tố sản xuất thường thấp nếu nguồn cung của nó rất dồi dào, hoặc nhu cầu thị trường về nó quá thấp. Vì lý do này mà thu nhập của những người lao động phổ thông thường thấp. Trong xã hội hiện đại, cầu về loại lao động này không cao trong khi do chi phí đào tạo thấp, nguồn cung về loại lao động này lại rất lớn và có tính co giãn cao. Cần chú ý rằng, tính khan hiếm tương đối giữa cung và cầu mới thực sự quyết định giá cả một loại yếu tố sản xuất. Nếu nguồn cung về một yếu tố sản xuất là khan hiếm, song nhu cầu về nó cũng thấp, thì giá cả thị trường của nó cũng không cao.
Khía cạnh công bằng: Giá cả các yếu tố sản xuất hình thành trên nguyên tắc khan hiếm tương đối có thể là một cách để thị trường sử dụng các yếu tố sản xuất một cách có hiệu quả. Một yếu tố sản xuất ít khan hiếm cần có gía thấp nhằm khuyến khích xã hội sử dụng nó nhiều hơn. Ngược lại, một yếu tố sản xuất quá khan hiếm cần được xã hội sử dụng một cách tiết kiệm và việc định giá cao trên thị trường về loại yếu tố sản xuất này là một cách để thị trường định hướng điều đó. Tuy nhiên, cách thức hoạt động như vậy của thị trường yếu tố sản xuất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong phân phối thu nhập. Nó không hềđảm bảo sự công bằng về thu nhập. Thậm chí theo nguyên tắc của thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, hay sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư là không tránh khỏi. Khi những người khác nhau sở hữu với những mức độ rất khác nhau về các nguồn lực, thu nhập của họ không thể giống nhau. Một người chỉ có nguồn lực lao động như nguồn tạo ra thu nhập duy nhất thường nghèo hơn rất nhiều so với một người có khả năng lao động tương đương song lại sở hữu nhiều tài sản khác như cổ phiếu, đất đai, hay nhà máy. Ngay giữa những người chỉ có nguồn lực lao động là duy nhất thì chất lượng lao động mà họ sở hữu lại cũng có thể là rất khác nhau. Mức lương thị trường mà hộ nhận được do đó cũng rất chênh lệch. Những người chỉ có khả năng làm những công việc giản đơn thường có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với những người lao động có tay nghề cao, làm được các công việc phức tạp mà xã hội đang có nhu cầu cao.
Sự chênh lệch thu nhập hay phân hóa giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư trong xã hội có thể trỏ thành vấn đề xã hội nghiêm trọng khi nó vượt quá một giới hạn nào đó. Một khi trong xã hội có quá nhiều người nghèo đói – những người có thu nhập quá thấp và bấp bênh, sống chật vật cả với việc thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu (ăn, mặc, ở…) đồng thời của cải hay sản phẩm xã hội lại quá tập trung trong tay một số người giàu thì sự chênh lệch thu nhập, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đã trở nên sâu sắc. Hiện trạng như vậy chứa đựng mầm mống của những xung đột xã hội, tạo ra những bất ổn định về mặt xã hội. Vì thế, sự chênh lệch giàu nghèo hay sự bất công bằng về thu nhập được xem như là một khuyết tật của thị trường, đòi hỏi nhà nước phải can thiệp.
* Sự mất ổn định kinh tế vĩ mô
Nền kinh tế thị trường, xét theo thời gian, vận động theo chu kỳ. Tổng sản lượng thực tế của nền kinh tế không tăng trưởng một cách đều đặn theo sự sự tích lũy các nguồn lực chung của nó mà lại có xu hướng biến động lúc cao, lúc thấp so với mức sản lượng tiềm năng. Vào thời kỳ phồn thịnh, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sản lượng đạt cao so với tiềm năng, công ăn việc làm dồi dào, do đó, tỷ lệ thất nghiệp hay tỷ lệ những người không có việc làm thấp. Trong trạng thái nền kinh tế tăng trưởng quá “nóng”, giá cả hàng hóa cũng thường tăng nhanh hay nói cách khác, tỷ lệ lạm phát lúc này thường cao. Sự phồn thịnh của nền kinh tế thường không duy trì được lâu. Dần dần nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, Đến một lúc nào đó, trạng thái xuống dốc của nền kinh tế biểu lộ rõ rệt ở sự suy thoái. Sản lượng thực tế càng ngày càng thấp so với mức sản lượ tiềm năng. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa hay chỉ sản xuất cầm chừng. Không chỉ lao động mà các nguồn lực khác của nền kinh tế cũng không được sử dụng hết công suất. Trong bối cảnh đó, thu nhập của người dân bị giảm sút. Trên thị trường, hàng hóa bịđình đốn, khó tiêu thụ. Vì thế, giá cả hàng hóa thường hạ hoặc khó tăng: tỷ lệ lạm phát chung của nền kinh tế lúc này, trái ngược với thời kỳ phồn thịnh, thường thấp.
Khi nền kinh tế kéo dài thời kỳ suy thoái đến điểm “đáy” thấp nhất của nó (đôi khi người ta gọi giai đoạn trầm trọng nhất của thời kỳ suy thoái là giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế), dần dần sự suy thoái sẽ chậm lại, và nền kinh tế sẽ lại phục hồi. Khi dự trữ máy móc, thiết bị của nền kinh tế xuống thấp một mức nào đó, người ta lại buộc phải gia tăng đầu tưđể phục hồi, thay thế những máy móc, thiết bị cũđã bị hư hỏng. Theo đà đó và cùng với những xung lực khác, nền kinh tế dần dần lấy lại được đà tăng trưởng. Sản lượng thực tế tăng dần đuổi theo và vượt mức sản lượng tiềm năng. Cứ thế, nền kinh tế lại dần đạt được thời kỳ phồn thịnh mới, trước khi dần dần lại rơi vào một thời kỳ suy thoái mới… Chính vì cứ lặp đi, lặp lại kiểu biến động sản lượng như thế mà tính chu kỳ của nền kinh tế bộc lộ.
Sự vận động của nền kinh tế thị trường, xét trên góc độ vĩ mô, theo những chu kỳ như vậy tạo nên một sự mất ổn định vĩ mô. Sản lượng lên xuống thất thường mặc dù xét dài hạn, nó vẫn bộc lộ một xu hướng hay tiềm năng tăng trưởng nào đó. Nền kinh tế lúc phải gánh chịu tỷ lệ lạm phát cao, lúc lại rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao. Điều đó tạo ra sự bấp bênh và rủi ro đối với cuộc sống của nhiều người trong xã hội. Tính mất ổn định vĩ mô đó cũng là một trong những khiếm khuyết của thị trường, một khiếm khuyết mà tự bản thân nó không khắc phục được.
EmoticonEmoticon