Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng của VN


- Đảm bảo tính chủ động và tự chủ quốc gia trong thu hút và sử dụng ODA vào phát triển cơ sở hạ tầng :  Kinh nghiệm quốc tế  và thực tiễn ở Việt Nam đã chỉ rõ: thành bại trong việc thu hút và sử dụng ODA tùy thuộc rất lớn vào vai trò của nước tiếp nhận. Bởi lẽ, ODA là một nguồn lực quan trọng tạo nên tiền đề cho sự phát triển ở các nước tiếp nhận, nhưng các nhà tải trợ thường sử dụng ODA như một công cụ nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị hoặc phục vụ chiến lược kinh tế đối ngoại của họ. Do đó, trong thu hút và sử dụng ODA, nếu các nước tiếp nhận không có sự chủ động và tự chủ thì ODA sẽ không được sử dụng theo đúng mục tiêu đã định và như vậy có thể làm lệch định hướng phát triển của đất nước trong từng ngành, vùng, lĩnh vực.


ODA sử dụng vào phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố phức tạp cả về mặt kinh tế tài chính lẫn kinh tế kỹ thuật. Do đó, với trình độ hạn chế, nếu các nước tiếp nhận không chuẩn bị một chiến lược kế hoạch phát triển cụ thể đối với từng phân ngành, từng lĩnh vực trên cơ sở chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, thì hiệu quả thu hút và sử dụng  nguồn lực này sẽ khó được đảm bảo, thậm chí có thể bị lệ thuộc vào định hướng của các nhà tài trợ.


Trên cơ sở thực tiễn đã chỉ ra, chính phủ Việt Nam nhận thấy cần phải chuẩn bị một chiến lược, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn lực này một cách minh bạch và hợp lý. Đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cần xác định rõ những dự án nào sẽ sử dụng ODA và hạn mức là bao nhiêu? Phương án hoàn vốn như thế nào? Đồng thời phải thận trọng đối với các điều kiện mà các bên tài trợ đưa ra. Chủ động tăng cường hiệu quả kỹ thuật của việc sử dụng, làm sao để có thể vừa tranh thủ được nguồn ODA mà không ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ trong định hướng phát triển của quốc gia.


 Hướng ODA vào đồng bộ hóa và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, coi trọng những công trình thiết yế : Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và công ty Tài chính Quốc tế (IFC), cơ sở hạ tầng là một trong 9 trụ cột đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia và là tiền đề vật chất quan trọng ảnh hưởng quyết định đến tăng trưởng và giảm nghèo. Có cơ sở hạ tầng đồng bộ, nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng cao và ổn định, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế ở nước ta còn lạch hậu, chi phí dịch vụ cơ sở hạ tầng cao hơn nhiều nước trong khu vực đã hạn chế năng lực cạnh tranh cảu hàng hóa sản xuất trong nước. Vì vậy sử dụng ODA vào đồng bộ hóa và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng là một định hướng phát triển được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh – xã hội của Việt Nam hiện nay. Để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những công trình trọng yếu, đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài yêu cầu về vốn lớn thì yêu cầu về công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến cũng là yếu tố được chú trọng. Vì thế quan điểm chỉ đạo của Đảng về thu hút và sử dụng vốn ODA cũng chỉ rõ rằng: vốn ODA trong xây dựng cơ sở hạ tầng phải tận dụng được các công nghệ tiên tiến của thế giới, phải lựa chọn được  các công trình công nghệ thích hợp, vì ODA gắn với các dự án, mà các dự án lại mua sắm trang thiết bị và công nghệ của các nhà tài trợ, đồng thời học được các kinh nghiệm và kỹ năng của họ để tự mình làm chủ được công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý.


- Đảm bảo sự tham gia của người thụ hưởng, các tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức xã hội vào quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án ODA :   Thực tế cho thấy, thành công của những chương trình, dự án kinh tế mang tính cộng đồng nói chung, các dự án sử dụng vốn ODA vào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế nói riêng có phần đóng góp tích cực của người thụ hưởng, các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Sự tham gia của các đối tượng này, trước hết làm cho các dự án được thiết lập một cách sát thực tế hơn, cần thiết và phù hợp với đối tượng thụ hưởng. Nhờ đó ý nghĩa thực tiễn của dự án được khẳng định ngay từ đầu, đảm bảo tính đúng đắn và hiệu quả của việc thu hút và sử dụng nguồn vốn. Một khi đối tượng thụ hưởng và các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội được tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, có sự trao đổi hai chiều về thông tin giữa người hưởng lợi và chủ đầu tư dụ án sẽ gia tăng khả năng chấp nhận dự án, tránh được những xung đột không đáng có, tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ các hoạt động của dự án. Với sự tham gia này, tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng được nâng cao hơn. Điều này không những đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ mà còn phù hợp với nguyên tắc về dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Previous
Next Post »