Những hậu quả của sự bất cân xứng thông tin trên thị trường sữa bột tại Trung Quốc


1.           Lựa chọn ngược:


Thông tin bất cân xứng đã tạo điều kiện cho sữa giả ra đời dẫn tới tình trạng “lựa chọn ngược” cho người tiêu dùng. Khách hàng với vốn kiến thức ít ỏi về thông tin sản phẩm dễ trở thành nạn nhân của kiểu làm ăn phi pháp này. Lợi dụng sự tin tưởng của các khách hàng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã làm giả sữa bằng cách đóng gói các sản phẩm không rõ nguồn gốc và được gắn nhãn hiệu các thương hiệu có tiếng. Theo thông tin đài truyền hình CCT thì tháng 3/2013, công ty sữa Lier (Trung Quốc) đã có hành vi làm giả sữa của hãng Hero, một công ty sữa bột lớn của Thụy Sỹ. Lier đã trộn sữa hết hạn với nguyên liệu của đối tác, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm, thay đổi công thức sản xuất để người tiêu dùng tưởng rằng đó là sản phẩm cho trẻ sơ sinh nhằm bán với giá cao hơn.


Ngoài ra, đối với một số sản phẩm sữa của Trung Quốc, khách hàng không một chút nghi ngờ về tính xác thực của sản phẩm, không yêu cầu hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của phòng giám sát thức ăn tại Phụ Dương cho biết: dấu niêm phong, hướng dẫn sử dụng trên bao bì là hoàn toàn không chính xác. Các điều tra viên đã đi vào hoạt động và theo thông tin đài truyền hình CCTV cho biết: hiện có 4 loại cây ở Đông Bắc, Trung Quốc và Nội Mông là những nguồn nguyên liệu làm ra sữa bột kém chất lượng. Các sản phẩm sữa này có ít hơn 1gram chất đạm trong 100gram sữa, các yếu tố vi lượng như sắt và kẽm là hoàn toàn không có.


Các hành vi của các nhà sản xuất sữa nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số trẻ em sử dụng nhầm sữa giả có triệu chứng lạ như môi sưng phồng, đầu phình to như quả dưa, tay chân teo lại…Một số ca còn dẫn đến tử vong. Ở đây, ta có thể hiểu “giao dịch” xảy ra khi người tiêu dùng mua sản phẩm sữa và “lựa chọn ngược” chính là việc người tiêu dùng mong muốn mua được sản phẩm tốt giờ đây lại mua nhầm sữa giả, sữa kém chất lượng.


Tóm lại, bên bán sản phẩm hiểu rõ sản phẩm của mình trong khi bên mua chỉ biết thông tin một cách chủ quan dựa vào những gì được ghi trên bao bì sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, họ không thể thường xuyên cập nhật đúng, đủ thông tin về tình trạng sản xuất của sản phẩm nên không biết các hành vi gian lận của các doanh nghiệp. Họ vẫn mua sản phẩm dẫn tới tình trạng lựa chọn ngược, mua hàng hóa với giá cao mà chất lượng không đảm bảo tương thích với giá cả thật sự phải trả.


2.           Rủi ro đạo đức:


Để hiểu rõ hơn về hậu quả này, chúng ta cùng phân tích những hoạt động của công ty sữa Sanlu. Sanlu là công ty cung cấp sữa lớn và khá nổi tiếng ở thành phố Thạch Gia Trang, Trung Quốc. Fonterra là một tập đoàn sữa khổng lồ của New Zealand và cũng là nhà cung cấp các thành phần sữa lớn thứ tư trên thế giới. Tháng 12/2005, Fonterra và Sanlu liên doanh để sản xuất và cung cấp sữa tại Trung Quốc, Fonterra nắm giữ đến 43% cổ phần  của Sanlu. Sự kiện này đã góp phần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm sữa của hãng Sanlu. Họ sẵn sàng chi trả ở mọi mức giá để có thể tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm này. Tuy nhiên, kỳ vọng của người tiêu dùng không được đáp ứng khi công ty Sanlu đã âm thầm sử dụng chất melanine trong các sản phẩm của họ. Ngay sau khi Sanlu được mua cổ phần bởi tập đoàn Fonterra, công ty này đã được Tổng cục Kiểm tra chất lượng Nhà nước Trung Quốc cấp giấy chứng nhận “miễn kiểm” đối với sản phẩm sữa bột cho trẻ em trong thời hạn ba năm, tức là đến tháng 12 năm 2008 mới hết hạn. Việc Sanlu được nhận giấy “miễn kiểm” cũng chính là Sanlu đang cam kết với Nhà nước và những người tiêu dùng sẽ thực hiện quá trình sản xuất một cách nghiêm túc về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong sữa. Hơn thế nữa, một số sản phẩm của tập đoàn này được miễn kiểm tra của chính phủ vì đã thông qua ba lần thanh tra liên tiếp.


Con đường đi lên của Sanlu sẽ vẫn còn rộng mở nếu Sanlu thực hiện đúng như những gì đã cam kết với nhà nước và nếu Sanlu không rẻ rúng lòng tin của người tiêu dùng dành cho mình. Tháng 3 năm 2008 tập đoàn Sanlu nhận được khiếu nại của người tiêu dùng vì trẻ bị sạn thận khi uống sữa của Sanlu. Qua quá trình kiểm tra, Trung Quốc đã phát hiện ra toàn bộ các loại sữa được sản xuất từ công ty Sanlu đều nhiễm chất độc melamine và việc này đã làm dấy lên chuỗi sự việc bê bối sữa ở Trung Quốc năm 2008. Tập đoàn Sanlu đã thêm chất này vào trong sữa là để tăng hàm lượng protein. Lượng protein trong sữa càng nhiều, công ty càng có lí do để nâng giá sữa, thu lợi nhuận cho mình. Nhiều loại sữa bột không đạt yêu cầu về chất lượng dành cho trẻ em đã được Sanlu tung ra thị trường. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2008, Trung Quốc báo cáo ước tính khoảng 300.000 nạn nhân, 6 trẻ sơ sinh chết vì sỏi thận và 54.000 trẻ em phải nhập viện vì uống phải sữa nhiễm chất độc hại melamine. Ở đây, rủi ro đạo đức chính là việc tập đoàn Sanlu đã cam kết với Nhà nước Trung Quốc nhưng đã không thực hiện đúng lời cam kết đó sau khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận “miễn kiểm”, và việc này đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhân dân Trung Quốc.


Dù biết rằng thương trường là chiến trường nhưng Sanlu không thể bỏ qua vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội để đạt được mục đích mong muốn. Việc kinh doanh vô đạo đức đó không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chính công ty Sanlu. Kết quả của việc làm sai trái đó là Sanlu đã bị tòa án thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) tuyên bố phá sản.


3.           Vấn đề người uỷ quyền – người thừa hành:


Lấy ví dụ trong thị trường sữa Trung Quốc có A là một công ty sản xuất sữa bột, B là một chi nhánh của A. Mỗi tháng, Công ty A yêu cầu chi nhánh B bán 10.000 sản phẩm và cuối tháng sẽ kết chuyển doanh thu. Mức lương mà giám đốc chi nhánh nhận được là cố định. Trong trường hợp này, sẽ xảy ra hiện tượng thông tin bất cân xứng giữa người ủy quyền, ở đây là công ty A, với người thừa hành là chi nhánh B. Công ty A sẽ có ít thông tin về việc bán hàng hơn so với chi nhánh B vì họ không trực tiếp tham gia điều hành quá trình bán hàng hóa và họ cũng không quản lý việc bán hàng của B, điều này sẽ làm cho B không tích cực trong kinh doanh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty A. Có hai lý do chính trong việc chi nhánh B sẽ không tích cực trong việc kinh doanh:


Lý do đầu tiên là đại lý duy trì doanh số bán hàng ở mức 10.000 sản phẩm mỗi tháng mà không cố gắng để gia tăng doanh số. Vì nếu muốn doanh số tăng thì họ cần phải thực hiện nhiều việc hơn trong khi đó mức lương họ nhận được lại không hề thay đổi.


Lý do tiếp theo là công ty A không quản lý chi nhánh B khiến cho họ mang tâm lý ỷ lại, hoạt động kinh doanh trì trệ, lợi nhuận duy trì ở một mức cố định chứ không tăng thêm.Vì lý do đó mà công ty A sẽ mất một khoản doanh thu lớn do chi nhánh B không muốn bán hàng hóa ra thị trường vượt mức doanh số mà họ được giao dù nhu cầu thị trường còn rất lớn.

Previous
Next Post »