Vai trò của Thương mại dịch vụ


1. Thương mại dịch vụ giúp cải biến cơ cấu kinh tế của một quốc gia.


Vai trò này thể hiện ở chỗ với các nước phát triển thì đương nhiên dịch vụ hiện nay đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong GDP. Ví dụ đối với một số nước phát triển cũng như các nước công nghiệp mới (hay còn gọi là các nền kinh tế mới nổi) thì tỷ trọng của dịch vụ trong GDP luôn chiếm khoảng từ 60% trở lên, Canada: 79% của GDP; Mỹ: 73,7% của GDP; Singapore: 71%; Hàn Quốc: 62%; Nhật Bản: 54%; của EU mở rộng: 42% (trước kia EU có 15 nước thành viên chủ yếu là các nước Tây Âu và Nam Âu là các nước tương đối phát triển, khi đó tỷ trọng của dịch vụ đối với GDP ở khu vực này là 70%, tuy nhiên bây giờ EU kết nạp thêm 10 nước thành viên mới chủ yếu là các nước thuộc khối Đông Âu là các nước thuộc XHCN cũ thì tỷ trọng dịch vụ của toàn bộ khối EU bị sụt giảm đi); Hiện nay tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ của các nước luôn luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ví dụ về nền kinh tế toàn cầu thì trong giai đoạn 1990 đến năm 2005 tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới từ 3 đến 4% thì tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ của thế giới trong giai đoạn này là 10% (gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng về kinh tế). Ở Việt Nam, năm 2005 theo con số ước tính thì tỷ trọng của thương mại dịch vụ chiếm 38,9% GDP, Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 (trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010) mức đóng góp của dịch vụ vào GDP là 45%.


2. Thương mại dịch vụ phát triển kéo theo sự phát triển của thương mại hàng hóa.


Trước kia để xuất khẩu được một lô hàng thì doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian (từ việc vận tải tới việc thanh toán, bốc dỡ, đóng gói v.v…), nhưng bây giờ cùng với sự xuất hiện và phát triển của nhiều ngành dịch vụ thì quá trình mua bán hàng hóa sẽ diễn ra được nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn. Ví dụ: Trước kia khi những dịch vụ trong các ngân hàng chưa phát triển thì các doanh nghiệp rất khó mua bán được hàng hóa một cách dễ dàng và nhanh chóng chẳng hạn như một doanh nghiệp muốn xuất khẩu một lô hàng thì doanh nghiệp tối thiểu phải cần các dịch vụ như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, chưa kể đến các dịch vụ liên quan đến kiểm định chất lượng. Vậy trước kia khi dịch vụ ngân hàng chưa phát triển cùng với công nghệ thông tin chưa phát triển thì các doanh nghiệp phải dùng chứng từ thông qua đường phát chuyển nhanh, bây giờ các ngân hàng bắt đầu chấp nhận chứng từ điện tử để quá trình thanh toán diễn ra nhanh hơn, như vậy khi quá trình thanh toán diễn ra nhanh hơn thì khả năng thu hồi vốn (hay khả năng quay vòng vốn của nhà xuất khẩu) sẽ nhanh hơn, như vậy sẽ tránh được tình trạng là bị bên nhập khẩu chiếm dụng vốn và doanh nghiệp sẽ có tiền để quay vòng cho thương vụ tiếp theo. Ngoài ra khi dịch vụ vận tải phát triển thì quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra nhanh hơn và an toàn hơn, như vậy là nhà xuất khẩu sẽ có thể xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn đồng thời rủi ro của họ được giảm xuống trong quá trình xuất khẩu. Hoặc một nghiệp vụ ngân hàng nữa được áp dụng: Nghiệp vụ Factoring và nghiệp vụ Forfeiting (hai nghiệp vụ mới), ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu và Ngân hàng Vietcombank áp dụng hai nghiệp vụ này. Hai nghiệp vụ này là Nghiệp vụ Bao thanh toán, Ngân hàng đứng ra thanh toán toàn bộ gói cần phải thanh toán (có thể thanh toán toàn bộ hoặc một phần; Factoring là một phần, còn Forfeiting là trọn gói; hiện nay mới chỉ Factoring được áp dụng). Với hai nghiệp vụ này sẽ tạo được thuận lợi cho cả người nhập khẩu lẫn người xuất khẩu. Có một điều kiện là: Các ngân hàng nếu muốn cung cấp dịch vụ Factoring và Forfeiting thì họ phải có một dịch vụ trong đó là dịch vụ Option – quyền lựa chọn ngoại tệ, khi họ cung cấp dịch vụ Option thì họ mới được cung cấp hai dịch vụ kia để giảm những rủi ro trong chênh lệch tỷ giá, biến động quá nhiều về tỷ giá. Nhưng khi hai loại hình dịch vụ này được áp dụng thì bên phải chịu rủi ro lớn nhất là bên Ngân hàng nhưng các ngân hàng vẫn chấp nhận bởi trên thị trường có rất nhièu ngân hàng, nếu không làm với ngân hàng này thì khách hàng có thể lựa chọn ngân hàng khác do vậy các ngân hàng chấp nhận chịu rủi ro lớn để thu hút được khách hàng.


3. Thương mại dịch vụ cải biến cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới.


Năm 2002, lượng vốn FDI toàn cầu đạt khoảng trên 2 nghìn tỷ đô la, đến 60% luồng FDI đó được đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, các nhà đầu tư thích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hơn vì cơ sở hạ tầng ban đầu cần ít vốn và khả năng thu hồi vốn lại cao, nhanh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp. Ngoài ra khi cải biến được cơ cấu đầu tư như vậy thì khi thương mại dịch vụ phát triển nó lại kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp. Ví dụ: Dịch vụ kho bãi và cảng biển – khi ở đâu đó có ý định xây dựng một cảng biển thì thông thường không dựa vào tiêu chí là ở khu vực đó có những khu công nghiệp nào để xây cảng mà việc xây cảng sẽ được tiến hành trước sau đó các khu công nghiệp mới hình thành quanh đó. Ở Việt Nam có khu vực cảng Chân Mây, sau khi hình thành dự án xây dựng cảng Chân Mây thì hình thành một loạt các dự án xây dựng các khu công nghiệp quanh đó. Mà việc hình thành một loạt các khu công nghiệp quanh đó là rất hợp lý bởi vì (i) các doanh nghiệp có lợi thế khi vận chuyển nguyên liệu đầu vào từ cảng tới nơi sản xuất, (ii) đồng thời có lợi thế về vị trí khi vận chuyển hàng từ nơi sản xuất ra cảng để phân phối đi các nơi khác, và khi cự ly, khoảng cách giảm như vậy thì rủi ro trong quá trình chuyên chở cũng giảm đi rất nhiều và đồng thời chi phí cũng được giảm theo.


4. Thương mại dịch vụ phát triển giúp tạo ra một lượng công ăn việc làm khổng lồ.


Vai trò này mang ý nghĩa xã hội rất cao. Ví dụ ở Mỹ năm 2002, số lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 86% lực lượng lao động. Đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới thì hiện nay ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động nhất là ngành du lịch với con số là 209,6 triệu lao động, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động của toàn thế giới. Và lực lượng lao động này cũng tạo ra một lượng GNP xấp xỉ 10% tổng giá trị GNP của toàn thế giới.

Previous
Next Post »