Các mô hình khủng hoảng kinh tế


1.  Mô  hình  khủng  hoảng  thế  hệ  thứ  nhất được  P.  Krugman  (1979)  xây  dựng  và  chủ yếu đặc trưng cho các cuộc khủng hoảng cán cân vãng lai trong điều kiện tỷ giá cố định bị các hoạt động đầu cơ tấn công . Mô hình này xảy ra ở một số nước có nền tảng kinh tế vĩ mô quá yếu kém, ngân sách thâm hụt trầm trọng,  cung  tiền  tăng  quá  mức  (có  thể  do Chính phủ in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách)  khiến  lạm  phát  gia  tăng;  những  điều này dẫn đến cán cân vãng lai thâm hụt trầm trọng. Trước nguy cơ đồng nội tệ bị giảm giá, Chính phủ buộc phải liên tục can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường để duy trì tỷ giá cố định. Khi lượng dự trữ ngoại hối giảm xuống một mức thấp nhất định nào đó, các cuộc tấn công mang tính đầu cơ bắt đầu xảy ra, cùng với các điều kiện nền tảng kinh tế vĩ mô quá yếu kém và thậm chí là sự gia tăng căng  thẳng  về  chính  trị  và  xã  hội,  đến  một thời điểm nào đó, Chính phủ buộc phải chấm dứt chế độ tỷ giá cố định và chuyển sang thả nổi tỷ giá làm cho đồng nội tệ bị mất giá liên tục và khủng hoảng tiền tệ xảy ra. Mô hình này  được  thể  hiện  rõ  nhất  trong  các  cuộc khủng hoảng ở một số nước châu Mĩ La Tinh vào  cuối  những  năm  1970,  đầu  những  năm 1980 và trong những năm 1990.


2.  Mô hình khủng hoảng thế hệ thứ hai được  Obstfeld  (1994  và  1995)  xây  dựng. Khủng  hoảng  dạng  này  còn  được  gọi  là khủng  hoảng  tự  phát  sinh  (self-fulfilling crisis), có thể xảy ra ở những nước có mức độ yếu kém về tài chính và vĩ mô vừa phải, song cam  kết  duy  trì  chế  độ  tỷ  giá  cố  định  của Chính phủ bị suy yếu do các biện pháp bảo vệ tỷ giá quá tốn kém (chẳng hạn do thắt chặt tiền tệ, lãi suất bị đẩy lên cao, gây tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm). Trước tín hiệu đó, các nhà đầu cơ có thể bán tháo đồng nội tệ để mua ngoại tệ. Những sức ép  này  buộc  Chính  phủ  không  có  cách  nào khác là phải từ bỏ chế độ tỷ giá cố định để thực  thi  chính  sách  tiền  tệ  mở  rộng  trước những cuộc tấn công quy mô của giới đầu cơ tiền  tệ,  và  hậu  quả  là  khủng  hoảng  bùng phát.  Biến  thể  khác  của  mô  hình  khủng hoảng thế hệ thứ hai xuất phát từ tình trạng thông tin không hoàn hảo và mất đối xứng. Trong điều kiện một hoặc một số ngân hàng có “vấn đề”, tình trạng này dẫn đến hành vi “bầy  đàn”,  gây  hoảng  loạn  tài  chính  và  rốt cuộc dẫn đến khủng hoảng tài chính – tiền tệ. Mô  hình  này  có  thể  thấy  trong  cuộc  khủng hoảng  của  Hệ  thống  tiền  tệ  châu  Âu (European Monetary System) năm 1992-1993.


3.  Mô hình khủng hoảng thế hệ thứ bađược Yoshitomi  và  Ohno  (1999)  xây  dựng,  đặc trưng  cho  các  cuộc  khủng  hoảng  tài  khoản vốn  trong  cán  cân  thanh  toán  quốc  tế (Balance  of  Payment).  Khủng  hoảng  tài khoản  vốn  thường  dẫn  đến  khủng  hoảng “kép”: khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng ngân  hàng.  Việc  tự  do  hoá  tài  khoản  vốn thiếu một trình tự thích hợp đã dẫn đến hai hệ quả là tiền đề cho cuộc khủng hoảng kép: Luồng vốn đổ vào ồ ạt vượt quá mức thâm hụt  cán  cân  vãng  lai;  và vốn  ngắn  hạn chiếm tỷ trọng quá lớn. Luồng vốn đổ vào ồ ạt vượt quá mức thâm  hụt  cán  cân  vãng  lai  (CA  Deficit)  đã khiến cán cân thanh toán (BOP) thặng dư và dự  trữ  ngoại  hối tăng.  Điều  này  dẫn  tới  sự bành trướng tín  dụng, đầu  tư và  tiêu dùng trong nước. Điểm mấu chốt ở đây là việc đầu tư quá mức (dư thừa năng lực sản xuất), đầu tư  kém  hiệu  quả  (vào  các  lĩnh  vực  như bất động sản…), đã dẫn tới hậu quả là thâm hụt cán cân vãng lai tăng, xuất hiện nền “kinh tế bong  bóng”  và  mức  cung  dư  thừa.  Khi  các nhà đầu tư nhận thức được những yếu kém kể trên và những dấu hiệu bất ổn khác như sự  sụt  giảm  giá  bất  động  sản  và  cổ  phiếu cũng như các hoạt động tấn công đầu cơ tiền tệ, họ đồng loạt rút vốn ra khỏi nền kinh tế. Hậu quả là cán cân thanh toán trở nên thâm hụt trầm trọng và dự trữ ngoại hối dần cạn kiệt, báo hiệu về một cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra.  Trong  điều  kiện  tự  do  hoá  cán  cân vốn,  một  lượng  vốn  ngắn  hạn  với  tỷ  trọng quá lớn (lớn hơn nhiều dự trữ ngoại hối) đã đổ vào nền kinh tế. Trong điều kiện giám sát các khoản vay nợ kém hiệu quả, một lượng lớn vốn vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đã được cho  vay bằng  nội  tệ  để đầu tư dài  hạn vào những dự án kém hiệu quả đã dẫn đến vấn đề “sai lệch kép” trầm trọng. Bảng cân đối tài sản của các công ty cũng như của hệ thống ngân hàng – tài chính xấu đi một cách trầm trọng khi đồng nội tệ mất giá và một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài bị rút ra đột ngột; đến lượt nó, tài sản ròng của các ngân  hàng  bị  sụt  giảm,  dẫn  đến  tín  dụng càng bị thắt chặt và bảng cân đối tài sản của các ngân hàng càng tồi tệ hơn. Quá trình tác động vòng xoáy và cộng hưởng này gây nên khủng hoảng bùng phát trong một thời gian rất ngắn và đẩy các nền kinh tế ngập sâu vào vòng suy thoái. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á 1997-1998 được coi là ví dụ điển hình của mô hình khủng hoảng thế hệ thứ ba.

Previous
Next Post »