Chi phí thể hiện các phí tổn hay thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu, hy sinh khi sản xuất một khối lượng hàng hóa hay dịch vụ nào đó.
Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh về một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó, doanh nghiệp phải có được những yếu tốđầu vào thích hợp. Nó phải có một lượng máy móc, thiết bị nhất định, có một hệ thống nhà xưởng, văn phòng, cửa hàng ở một quy mô nào đó, có một số lượng lao động với một cơ cấu thích hợp xác định. Ngoài ra, hoạt động của nó được duy trì nhờ một hay nhiều nguồn cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu tương đối ổn định nào đó. Vậy là, để có thể tạo ra một khối lượng hàng hóa đầu ra nhất định, doanh nghiệp luôn phải sử dụng một khối lượng đầu vào tương ứng. Nói cách khác, nó phải bỏ ra hay gánh chịu một khoản chi phí đầu vào nào đó. Trong số các khoản chi phí này, cái mà người ta dễ nhận ra trước tiên là các khoản chi phí kế toán.
Chi phí kế toán là những khoản chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp thực tế phải bỏ ra khi sản xuất hàng hóa. Nó bao gồm những khoản chi phí như: khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng, mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu; trả tiền thuê nhân công hay thanh toán các khoản lãi vay… Các chi phí này luôn luôn gắn với một khối lượng hàng hóa đầu ra cần sản xuất nhất định.
Chi phí kế toán luôn luôn thể hiện dưới dạng những dòng tiền mà người chủ doanh nghiệp thực sự phải chi trả, thanh toán khi thuê, mua các yếu tốđầu vào. Về nguyên tắc, những khoản chi này có thể dễ dàng ghi chép trong các sổ sách kế toán, mà người khác có thể kiểm chứng được.
Đương nhiên, các khoản chi phí kế toán là bộ phận chi phí quan trọng mà doanh nghiệp luôn luôn phải tính đến khi ra các quyết định. Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào những thông tin thuần túy về chi phí kế toán, doanh nghiệp có thể có những nhận định sai lầm về một hoạt động kinh doanh, do đó, có thểđưa ra những quyết định không hiệu quả. Vấn đề là ở chỗ: dù đã tính đến một cách chính xác và đầy đủ toàn bộ các chi phí kế toán có liên quan, doanh nghiệp vẫn có thể bỏ qua một số chi phí quan trọng. Chẳng hạn, khi xác định chi phí thuê nhân công, theo quan điểm của người kế toán, người chủ doanh nghiệp chỉ tính những khoản tiền công, tiền lương mà anh ta (hay chị ta) thực tế phải trả cho những người làm thuê – dù đó là người quản lý cao cấp hay những công nhân sản xuất trực tiếp. Là người chủ doanh nghiệp, anh ta (hay chị ta) không tự thuê chính bản thân mình, do đó, về mặt kế toán, người này dường như không phải bỏ ra một đồng nào để khai thác sức lao động của bản thân. Thực tế, ởđây không có một dòng tiền nào phát sinh, đi từ người sử dụng lao động đến người cung ứng lao động khi thực chất hai người chỉ là một. Tuy thế, việc người chủ doanh nghiệp có thể sử dụng lao động của chính bản thân mình một cách miễn phí về phương diện kế toán, không có nghĩa là quá trình này không đem lại một tổn thất nào cho anh ta (hay chị ta). Khi phải làm những công việc ở doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp mất đi cơ hội làm những công việc khác, tức là mất đi khả năng sử dụng nguồn lực lao động của mình theo những phương án khác. Giả sử tương ứng thời gian làm việc ở doanh nghiệp để sản xuất ra khối lượng hàng hóa mà chúng ta đang xem xét, nếu làm một công việc khác (chẳng hạn, làm giám đốc cho một công ty khác), người này có thể kiếm được một khoản thu nhập cao nhất là 30 triệu đồng, thì chúng ta phải coi 30 triệu đồng này là khoản tổn thất, hay mất mát mà người này phải gánh chịu khi điều hành doanh nghiệp của chính mình. Nói một cách khác, mặc dù đây không phải là một khoản tiền mà doanh nghiệp thực tế phải chi trả, do đó, nó không cấu thành một khoản chi phí kế toán, 30 triệu đồng nói trên vẫn là một khoản chi phí kinh tế thực sự mà người chủ doanh nghiệp cần phải tính đến. Nếu như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sau khi trừ hết các chi phí kế toán, chỉđem lại một khoản lãi là 20 triệu đồng, thì có lẽđối với người chủ doanh nghiệp trên, việc kinh doanh này là không hiệu quả. Bằng chứng là anh ta (hay chị ta) sẽ có thu nhập cao hơn (30 triệu đồng so với 20 triệu đồng) nếu đi làm công việc khác. Dựa trên thông tin về chi phí kế toán, người ta có thể khẳng định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là có lãi. Nhưng với một cách nhìn toàn diện hơn, ta cần phải cộng thêm 30 triệu đồng mà người chủ doanh nghiệp phải hy sinh do phải điều hành doanh nghiệp vào các khoản chi phí. Khi ấy, hóa ra công việc kinh doanh mà người này đang tiến hành hoàn toàn không hiệu quả. Thay vì lãi 20 triệu đồng, anh ta (hay chị ta) đang gánh chịu một khoản thua lỗ tương đương với 10 triệu đồng.
Ví dụ trên cho thấy chi phí kế toán không phản ánh đầy đủ và chính xác các khoản tổn thất hay mất mát của doanh nghiệp khi tiến hành sản xuất một khối lượng hàng hóa nào đó. Nó còn bỏ qua các khoản chi phí cơ hội ẩn, giống như khoản 30 triệu đồng mà ta vừa nêu trong ví dụ trên.
Chi phí cơ hội:Ở chương một, chúng ta đã biết chi phí cơ hội của một thứ chính là cái mà chúng ta buộc phải từ bỏđể có được nó. Liên quan đến quá trình sản xuất hàng hóa, do doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn lực đầu vào theo một cách nào đó, nên có thể quy chi phí cơ hội của việc sản xuất một khối lượng hàng hóa về những thứ mà doanh nghiệp phải từ bỏ do không thể sử dụng các nguồn lực trên theo cách khác. Thực tế, có thể có nhiều phương án thay thế nhau trong việc sử dụng một nguồn lực xác định. Chỉ có điều khi ta đã sử dụng nguồn lực theo một phương án nào đó thì không còn có thể sử dụng nó theo những phương án khác. Vì thế, tổn thất cơ hội đối với việc sử dụng nó theo một cách thức nhất định nào đó chỉ là cái mà ta phải hy sinh khi không sử dụng nó trong một phương án thay thế tốt nhất.
Chi phí cơ hội của việc sử dụng một nguồn lực theo phương án A chính là giá trị hay lợi ích của phương án thay thế tốt nhất mà chúng ta không thực hiện được nữa do phải thực hiện phương án A.
Trong ví dụđã nêu ở trên, sử dụng lao động của bản thân đểđiều hành doanh nghiệp là một phương án (giả sử ta gọi là phương án A). Nhưng đi làm thuê ở các doanh nghiệp khác hay sử dụng lao động của mình cho những công việc khác là những phương án thay thế khác nhau của phương án A. Nếu 30 triệu đồng là giá trị cao nhất mà người chủ doanh nghiệp có thể thu được từ việc sử dụng nguồn lực lao động trong các phương án thay thế A thì điều đó có nghĩa là 30 triệu đồng chính là giá trị của phương án thay thế tốt nhất. Nó đo chi phí cơ hội của việc sử dụng nguồn lực lao động cá nhân của người chủ cho việc sản xuất khối lượng hàng hóa nào đó nói trên.
Có thể nêu một dạng chi phí cơ hội khác cũng bị che giấu, không được thể hiện trong các khoản chi phí kế toán của doanh nghiệp. Giả sử, để sản xuất ra khối lượng hàng hóa nào đó, doanh nghiệp cần có một lượng vốn là 200 triệu đồng. Doanh nghiệp có sẵn 100 triệu đồng là vốn tự có. Nó phải đi vay trên thị trường 100 triệu đồng còn lại. Khoản tiền lãi vay tương ứng mà doanh nghiệp phải trả cho người cho vay được thể hiện như một khoản chi phí kế toán. Song với 100 triệu đồng vốn tự có, doanh nghiệp không phải trả một đồng tiền lãi vay nào. Về mặt kế toán, người ta có thể coi chi phí của việc sử dụng 100 triệu đồng này cho việc kinh doanh của doanh nghiệp là bằng 0. Tuy nhiên, về mặt kinh tế thì không phải là như vậy. Để có thểđưa 100 triệu đồng vốn trên vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, người chủ doanh nghiệp đã phải từ bỏ một khoản thu nhập nào đó do không thể dùng nó cho các phương án thay thế khác (ví dụ, cho người khác vay). Nếu 10 triệu đồng là khoản thu nhập có thể thu được trong một phương án thay thế tốt nhất, thì khoản tiền này phải được coi như là chi phí cơ hội của việc sử dụng nguồn vốn tự có trên cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi cân nhắc cách sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả, chắc chắn doanh nghiệp không thể bỏ qua khoản chi phí này.
Như vậy, để ra được những quyết định hiệu quả, doanh nghiệp phải quan tâm đến chi phí kinh tế chứ không phải là chi phí kế toán.
Chi phí kinh tế của việc sản xuất một khối lượng hàng hóa nào đó chính là toàn bộ các chi phí cơ hội có liên quan. Nó là tổng cộng của các khoản chi phí cơ hội của việc doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực để sản xuất khối lượng hàng hóa trên. Có một số chi phí cơ hội là rõ ràng, được thể hiện ngay trong chi phí kế toán. Một khoản chi phí kế toán, chẳng hạn như khoản tiền 50 triệu đồng dùng để thuê nhân công hay mua nguyên, vật liệu nếu được sử dụng theo các phương án thay thế khác (dùng để mua hàng hóa hay vật dụng khác) cũng chỉ có giá trị là 50 triệu đồng. Như thế, chi phí kế toán là một bộ phận của chi phí kinh tế. Tuy nhiên, nhưđã phân tích ở trên, ngoài chi phí kế toán, chi phí kinh tế còn bao gồm những khoản chi phí cơ hội ẩn có liên quan. Đó là những khoản chi phí mà doanh nghiệp không phải trực tiếp chi trả song lại là những khoản mất mát hay thiệt hại thực sự mà doanh nghiệp phải gánh chịu hay hy sinh khi thực hiện quyết định sản xuất kinh doanh của mình. Vì thế, các khoản chi phí cơ hội ẩn vẫn được doanh nghiệp tính đến khi lựa chọn các quyết định. Nói cách khác, nếu giảđịnh rằng, doanh nghiệp có khả năng ra những quyết định hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm, hành vi của nó bị chi phối bởi chi phí kinh tế chứ không phải bởi chi phí kế toán. Vì vậy, trong kinh tế học, trừ những trường hợp được nêu rõ, khi nói đến chi phí người ta ngầm định rằng, đó là chi phí kinh tế.
EmoticonEmoticon