Doanh nghiệp là người sản xuất và bán các hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, khi công ty Ford sản xuất ra những chiếc ô tô hay công ty Thiên Long sản xuất ra những chiếc bút bi có chất lượng cao thì không phải những công ty này chỉ thuần túy theo đuổi những mục tiêu xã hội cao cả: làm ra những chiếc ô tô hay những chiếc bút bi phục vụ các nhu cầu của xã hội. Đành rằng những chiếc ô tô hay bút bi là những sản phẩm hữu dụng, có ích đối với xã hội, song ẩn chứa đằng sau chúng là những khoản lợi nhuận mà các công ty này mong đợi. Nói cách khác, với tư cách là những doanh nghiệp điển hình trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu mà các công ty này tìm kiếm là lợi nhuận. Trong trường hợp nói trên, các loại hàng hóa cụ thể như ô tô, bút bi chỉ là các phương tiện để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu lợi nhuận của mình. Vì thế, dù xã hội vẫn cần đến những chiếc ô tô, bút bi…, song giả sử vào một lúc nào đó, các hàng hóa này không còn tạo ra lợi nhuận lâu dài cho các công ty trên, nếu không bị phá sản, chúng gần như chắc chắn sẽ chuyển sang lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh khác. Trên thực tế, khi nhà máy sản xuất xe đạp Xuân Hòa trước đây không còn kinh doanh xe đạp mà chuyển sang sản xuất bàn ghế, thì nó đã xử sựđúng như vậy. Ởđây, xe đạp hay bàn ghế không phải là mục tiêu đích thực của doanh nghiệp. Giờđây, doanh nghiệp sản xuất bàn ghế vì đối với nó, đó là phương cách kiếm lợi nhuận hiệu quả hơn. Cho nên, khi phân tích về hành vi cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị trường, sẽ là hợp lý khi chúng ta giảđịnh rằng: mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Khi một doanh nghiệp hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, thì đó không phải là trường hợp điển hình mà chúng ta muốn chú ý đến.
Đương nhiên, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp. Khi tiến hành các hoạt động của mình, doanh nghiệp thường theo đuổi một hệ mục tiêu phức tạp: tối đa hóa lợi nhuận, mở rộng thị trường nhằm cải thiện vị thế của doanh nghiệp trên thị trường (thường gắn với việc tối đa hóa doanh thu), tăng giá trị cổ phiếu của công ty, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng, giảm thiểu rủi ro nhằm ổn định hóa mức lợi nhuận… Trong số các mục tiêu này, nhiều mục tiêu có thể xung đột với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đặc biệt nếu xét trong ngắn hạn. Chẳng hạn, khi ưu tiên cho việc mở rộng thị phần, doanh nghiệp thường gia tăng quảng cáo, hạ giá hàng hóa và trong nhiều trường hợp, nó có thể chấp nhận thua lỗ ngắn hạn. Khi doanh nghiệp bỏ ra những khoản tiền lớn để làm từ thiện, hay làm những công việc thuần túy có tính chất xã hội, quỹ lợi nhuận của nó bị giảm đi. Tuy thế, xét đến cùng, tối đa hóa lợi nhuận vẫn là mục tiêu ưu tiên, có tính chất lâu dài của hầu hết các doanh nghiệp. Nó thường tồn tại như là động cơ nằm phía sau các mục tiêu khác. Ví dụ như khi doanh nghiệp tập trung để giành giật thị trường với các đối thủ khác, rõ ràng động cơ của nó là có được những khoản lợi nhuận cao hơn, bảo đảm hơn, xét về lâu dài. Mở rộng thị trường thường không phải là thứ mục tiêu “tự nó”. Khi đã độc chiếm thị trường, doanh nghiệp thường nâng giá hàng hóa để có lợi nhuận cao, mặc dù trước đó, nó có thể thường xuyên hạ giá sản phẩm của mình. Hay khi doanh nghiệp tiến hành đa dạng hóa kinh doanh (đa dạng hóa lĩnh vực, mặt hàng, địa điểm… kinh doanh) thì thực ra nó cũng đang cố gắng tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro, bất trắc. Ởđây, lợi nhuận vừa là động cơ, vừa là điều kiện tồn tại dài lâu của doanh nghiệp. Trong điều kiện cạnh tranh, muốn tồn tại, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, mở rộng thị trường… Doanh nghiệp sẽ không thể làm được như vậy nếu nó ở trong tình trạng không có lợi nhuận hay thua lỗ kéo dài.
Do tính chất ưu tiên cao của mục tiêu lợi nhuận so với các mục tiêu khác, khi phân tích về hành vi của doanh nghiệp, chúng ta giảđịnh rằng mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi là tối đa hoá lợi nhuận.
Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
EmoticonEmoticon