Khái niệm nguồn vốn huy động nước ngoài


1. Nguồn vốn huy động đầu tư trực tiếp (FDI):


Đầu tư trực tiếp NN là một loại hình di chuyển vốn quốc tế trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn.


Đầu tư trực tiếp được thực hiện thông qua việc xây dựng doanh nghiệp mới với quyền sở hữu và quản lý phụ thuộc vào mức độ đóng góp của mỗi bên. Trong đó, bên nước ngoài phải góp một số vốn tối thiểu tuỳ theo vốn pháp định và luật Đầu tư nước ngoài đồng thời lợi nhuận thu được cũng chia theo tỷ lệ này.


Hiện nay FDI, có các xu hướng vận động sau:

Xu hướng tự do hoá đầu tư: thể hiện trên 3 bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế. Đó là việc giảm dần những hạn chế về hình thức đầu tư, vốn góp, nhân công, chuyển giao công nghệ… đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khuyến khích về tài chính…, hình thành hiệp định song và đa phương.


Vai trò của các tập đoàn xuyên quốc gia ngày càng nổi bật trong việc cung cấp tài chính và chuyển giao công nghệ cùng kinh nghiệm quản lý cũng là một xu hướng mới.

Xu hướng mới là có sự vận động luân chuyển vốn giữa các nước phát triển. Vốn FDI, tuy nhiên, cũng có sự biến đổi tăng dần về qui mô và tốc độ phân vốn vào các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước Châu Á – Thái Bình Dương.

Cuối cùng là xu hướng chuyển dần lĩnh vực đầu tư từ khai thác sang chế tạo và dịch vụ, vào những ngành đòi hỏi sử dụng lao động có trình độ cao, tạo được hiệu quả kinh tế – xã hội lớn…

Đầu tư trực tiếp hiện nay chủ yếu trên 3 hình thức: hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp mang lại cả mặt tích cực và tiêu cực, song nói chung, cả với nước tiếp nhận và nước đầu tư đều có lợi ở nhiều mặt như: Ở nước tiếp nhận sẽ tiếp thu được khoa học – kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, sử dụng vốn một cách hiệu quả hơn…, đối với nước đi đầu tư: vốn đầu tư được sử dụng với hiệu quả cao, chiếm lĩnh thị trường, tận dụng được nguồn nhân công rẻ mạt, tránh được hàng rào bảo hộ mậu dịch,… Tuy nhiên, cũng có những mặt tiêu cực như: nếu môi trường chính trị – Kinh tế không ổn định sẽ khó thu hút FDI, dễ bị nhập những công nghệ lạc hậu kém hiệu quả, phá hoại môi trường,…


2. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (ĐTGT):


ĐTGT là loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia trong đó người chủ sở hữu vốn không trực tiếp quản lý vốn và điều hành các hoạt động sử dụng vốn, họ không chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư mà hưởng lãi suất theo tỷ lệ số vốn đầu tư.

Đầu tư nước ngoài gián tiếp chủ yếu dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA). ODA là tất cả các khoản hỗ trợ không hoàn lại hoặc các khoản tín dụng ưu đãi (vay dài hạn và lãi suất thấp) của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi Chính phủ, và một số các nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. ODA gồm có các khoản viện trợ và vay ưu đãi.


2.1. Nguồn vốn viện trợ:


Là các khoản mà các đối tác của ODA chuyển vào một quốc gia (đặc biệt là cho các dự án phát triển) dưới hình thức hoàn lại hay không hoàn lại. Thông thường, nó sẽ đi kèm với các điều kiện về chính trị.


2.2. Nguồn vốn vay ưu đãi:


Là việc các đối tác của ODA cho các nước đang phát triển vay với lãi suất thấp, trong thời gian dài. Song việc cho vay ưu đãi cũng gắn chặt với thái độ chính trị của các Chính phủ và các tổ chức kinh tế quốc tế khác nhau.

ODA có các đặc điểm chung là: bên tiếp nhận vốn được toàn quyền sử dụng vốn, vay với lãi suất thấo, trong thời gian dài nhưng nói chung là bị lệ thuộc về chính trị đối với nước và tổ chức cho vay.

Bên cạnh các hình thức đầu tư trên còn có vay nợ thương mại và Kiều hối.


2.3. Vay nợ thương mại:


Là hình thức vay từ các tổ chức tài chính quốc tế với lãi suất và thời gian cụ thể. Lãi suất này thường cao hơn nhiều so với lãi suất của vay ưu đãi và thời gian lại ngắn hơn nên các nước thường cố gắng để hạn chế khoảng vay này.


2.4. Kiều hối:


Là việc chuyển tiền của người lao động Việt Nam ở nước ngoài về trong nước. Người lao động ra nước ngoài chủ yếu qua 2 hình thức là xuất khẩu lao động và Việt Kiều.


Previous
Next Post »