Nguyên tắc nước được ưu đãi nhất (Most Favored Nation – MFN)


Thường được gọi là Nguyên tắc tối huệ quốc.


1. Các bên tham gia ký kết cam kết dành cho nhau những thuận lợi và ưu đãi không kém hơn những thuận lợi và ưu đãi mà một bên đang và sẽ dành cho bất kỳ một nước thứ ba nào.


Giả thiết có hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Trước khi có quan hệ Tối huệ quốc với nhau, giả định Việt Nam xuất khẩu Cà phê sang Mỹ và Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu là 20% và Mỹ xuất khẩu máy tính sang Việt Nam và VN áp dụng mức thuế nhập khẩu là 100%. Nhưng VN không chỉ nhập khẩu máy tính từ Mỹ mà còn nhập khẩu máy tính từ rất nhiều nước khác (giả sử từ Nhật, Hàn Quốc, Đức) – bất kỳ một nước thứ ba nào và với mức thuế nhập khẩu là 20%. Tương tự, Mỹ cũng nhập khẩu cà phê từ nhiều nước (Braxin, Colombia) với mức thuế là 0%. Sau khi VN và Mỹ có Nguyên tắc Tối huệ quốc thì Cà phê VN khi xuất sang Mỹ sẽ được tính thuế nhập khẩu là 0% và máy tính của Mỹ khi nhập khẩu vào VN sẽ chịu mức thuế nhập khẩu là 20%. (nếu như có một nước thứ ba khác được tính mức thuế nhập khẩu dưới 20% thì sẽ được áp dụng theo mức thuế đó).


2. Quy chế về quan hệ thương mại bình thường – Normal Trade Relation – NTR.


– Lịch sử ra đời và tên gọi:

Lịch sử: Nguyên tắc tối huệ quốc: Nguyên tắc này được sử dụng lần đầu tiên vào trong Hiệp ước thương mại giữa Pháp và Mỹ được ký kết vào năm 1778. Tại thời điểm đó Pháp là nước duy nhất nhận được sự đối xử tối huệ quốc của Mỹ, sau đó Mỹ lần lượt dành quy chế này cho rất nhiều nước. Năm 1948, khi GATT thành lập thì Nguyên tắc tối huệ quốc được chính thức được đưa vào điều 1 của GATT (Hiệp định thuế quan và mậu dịch), sau đó tới năm 1995 khi tổ chức thương mại thế giới – WTO ra đời thì nguyên tắc này cũng được coi là nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong thương mại quốc tế.

Tên gọi: Nguyên tắc Nước được ưu đãi nhất (hay còn gọi là nguyên tắc tối huệ quốc – Most Favoured Nation – MFN), tuy nhiên Mỹ còn có cách gọi khác về nguyên tắc này, trong thực tiễn thương mại của Mỹ thì Mỹ dành cho hầu hết các nước quy chế đối xử tối huệ quốc (trừ một số rất ít mà không được Mỹ dành cho quy chế này) chính vì thế mà Mỹ thấy rằng được hưởng quy chế này không phải là một đặc quyền riêng nào do vậy tên gọi ban đầu – Most Favoured Nation – có thể gây hiểu nhầm, Mỹ cho rằng được hưởng quy chế này là được hưởng sự công bằng cũng giống như cách Mỹ đối xử với các nước đối tác khác mà thôi, do vậy từ 6/1998 Mỹ sử dung tên gọi cho nguyên tắc nàylà: Quy chế về quan hệ thương mại bình thường – Normal Trade Relation – NTR.


3. Phạm vi áp dụng.


Trong thương mại hàng hoá thì nguyên tắc này được áp dụng trong phạm vi:

(i) Thuế quan;

(ii) Các quy định có liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu. Như quy định về hạn chế định lượng, cấp phép;

(iii) Các quy định và thủ tục có liên quan đến việc thanh toán đối với hàng hoá xuất nhập khẩu;

(iv) Các quy định và thủ tục có liên quan đến việc vận chuyển, lưu kho hàng hoá xuất nhập khẩu.


4. Những lĩnh vực áp dụng.


(i) Thương mại hàng hoá;

(ii) Thương mại dịch vụ;

(iii) Đầu tư;

(iv) Quyền sở hữu trí tuệ.


5. Tác dụng của nguyên tắc tối huệ quốc.


Xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong quan hệ buôn bán, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. (Ví dụ: Năm 1981, thời điểm WTO chưa ra đời, mới chỉ có GATT, Braxin kiện Tây Ban Nha ra trước GATT vì trước đó Tây Ban Nha áp dụng thuế xuất đối với mặt hàng cà phê với một mức thống nhất nhưng tới năm 1979-1980 Tây Ban Nha cho ra đời một luật thuế khác trong đó họ phân loại cà phê ra làm 5 nhóm khác nhau Cà phê Colombia; Cà phê nhẹ; Cà phê Arabica; Cà phê Robista; và Các loại cà phê nhẹ khác, hai loại cà phê đầu tiên được hưởng mức thuế là 0%, ba loại còn lại thì phải chịu mức thuế là 7%. Trong khi đó cà phê của Braxin xuất sang Tây Ban Nha chủ yếu là loại Cà phê Arabica là loại chịu thuế xuất 7%, nếu như có nước khác xuất khẩu vào Tây Ban Nha một trong hai loại cà phê đầu thì sẽ được hưởng mức thuế 0%. Braxin cho rằng như vậy là họ bị thiệt thòi và bị Tây Ban Nha phân biệt đối xử đối với họ. Về phần mình Tây Ban Nha lập luận rằng 5 loại cà phê được chia ra như vậy là hoàn toàn khác nhau về quá trình gieo trồng, thu hoạch, chế biến, do vậy tạo cho 5 loại cà phê đó có các đặc tính hoá học khác nhau, mùi vị khác nhau và đối với người tiêu dùng thì 5 loại cà phê này khác nhau. Sau đó nhóm chuyên gia của GATT điều tra và kết luận rằng tất cả sự khác biệt trong quá trình thu hoạch, chế biến v.v.. không đủ để làm cho sự khác biệt giữa 5 loại cà phê này, đối với người tiêu dùng trên thế giới thì cả 5 loại cà phê này là như nhau không phân biệt độ cafein là nặng hay nhẹ, họ đã bác bỏ lập luận của Tây Ban Nha chính vì vậy việc Tây Ban Nha vi phạm thuế xuất nhóm chuyên gia của GATT kết luận là Tây Ban Nha đã vi phạm điều 1 của GATT và Tây Ban Nha bị buộc phải dỡ bỏ quy định này.)


6. Cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc MFN.


(i) Hiệp định thương mại được ký kết giữa các nước và trong hiệp định thương mại có điều khoản quy định về MFN. (Như Việt Nam ký Hiệp định với Mỹ, trong Hiệp định thương mại Việt – Mỹ có điều khoản quy định về dành cho nhau nguyên tắc đối xử tối huệ quốc) – nhưng đi theo con đường này thì VN muốn được hưởng Nguyên tắc Tối huệ quốc của các nước thì sẽ rất lâu – sẽ phải lần lượt ký hiệp định với tất cả các nước.

(ii) Quy định của các tổ chức quốc tế mà quốc gia đó là thành viên như GATT/WTO. Khi VN gia nhập WTO thì ngay lập tức và vô điều kiện VN sẽ được hưởng sự đối xử tối huệ quốc của 150 nước thành viên của WTO thay vì việc VN phải đi ký kết hiệp định thương mại với tất cả các nước đó.


7. Ngoại lệ của MFN.


Ngoại lệ1: Mậu dịch biên giới. Những ưu đãi trong mậu dịch đường biên sẽ không được áp dụng với những nước khác như quan hệ thương mại giữa VN và TQ thì VN dành ưu đãi cho hàng hoá TQ qua đường biên và TQ dành cho VN trong mối quan hệ mậu dịch đường biên như định mức thuế khi mang hàng hoá qua biên giới là 500 nghìn/ngày/người, những ưu đãi kiểu như vậy thì các nước khác (như Mỹ, Nhật) không thể đòi hỏi VN cho họ hưởng mặc dù họ cũng được VN dành cho sự đối xử tối huệ quốc.


Ngoại lệ 2: Những ưu đãi trong những thoả thuận thương mại khu vực (RTAs). Vd: Việt Nam dành cho những nước trong khối ASEAN sự ưu đãi đặc biệt, thì hàng hoá của Mỹ không thể đòi hỏi được sự đối xử ưu đãi như vậy. Cũng tương tự Mỹ dành những ưu đãi cho những nước trong khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ – NAFTA (Canada, Mỹ, Mehico), VN không thể đòi hỏi Mỹ đối xử với VN những ưu đãi như vậy. Những thoả thuận thương mại không chỉ bao hàm những thoả thuận mang tính địa lý (như ASEAN; NAFTA) mà có thể cả những hiệp định thương mại tự do giữa các nước (như giữa Mỹ và Australia; Nhật – Thái Lan) cũng là ngoại lệ của nguyên tắc tối huệ quốc. Ngày nay, số lượng các thoả thuận thương mại khu vực ngày càng tăng, thì ý nghĩa của nguyên tắc tối huệ quốc giảm đi.


Ngoại lệ 3: Những ưu đãi đặc biệt mà các nước phát triển dành cho các nước đang và chậm phát triển. Như Châu Âu có chương trình miễn thuế cho hầu như tất cả hàng hóa (trừ vũ khí) của các nước kém phát triển, hoặc như Mỹ cũng có chương trình ưu đãi thuế cho các nước ở Châu Phi, EU có chương trình ưu đãi cho các nước ở Châu Phi, Thái Bình Dương, khu vực Châu Mỹ La tinh.


VD: Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập – Generalized System of Preferences – GSP. Đây là một ngoại lệ tiêu biểu (Nếu thi có câu hỏi: EU dành cho Việt Nam sự đối xử như thế này, nhưng lại không dành cho Nhật Bản sự đối xử như vậy thì điều đó có phải vi phạm Nguyên tắc Tối huệ quốc không? chúng ta chiếu vào ngoại lệ này và ta thấy ưu đãi mà các nước phát triển dành cho các nước đang và chậm phát triển chính là ưu đãi ngoại lệ – EU ưu đãi như vậy hoàn toàn không vi phạm nguyên tắc Tối huệ quốc.


Ngoại lệ 4: Mua sắm chính phủ – Government Procurement. Đây là một ngoại lệ trong Nguyên tắc Tối huệ quốc và Nguyên tắc Đối xử Quốc gia.

Trên đây là 4 ngoại lệ cơ bản của Nguyên tắc Tối huệ quốc, ngoài ra còn có những Ngoại lệ khác và các biện pháp tự vệ trong thương mại. Ví dụ: một mặt hàng có hành vi bán phá giá thì sẽ bị áp dụng Luật chống bán phá giá, hoặc nếu nhập khẩu một mặt hàng nào mà mặt hàng đó đe dọa tới an ninh quốc phòng, đến môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc quốc gia thì quốc gia đó có thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ quốc gia kia – Việc đó không vi phạm Nguyên tắc Tối huệ quốc.


8. Cách áp dụng MFN.


Có hai cách áp dụng cơ bản:

(i) Áp dụng MFN vô điều kiện. Các nước sẽ dành cho nhau Nguyên tắc Tối huệ quốc mà không kèm theo một điều kiện nào, ví dụ điển hình cho việc áp dụng MFN vô điều kiện: Chính là áp dụng MFN trong tổ chức Thương mại Thế giới, nếu VN trở thành thành viên chính thức của WTO thì ngay lập tức và vô điều kiện VN sẽ được hưởng sự đối xử của Nguyên tắc Tối huệ quốc của 150 nước thành viên khác.

(ii) Áp dụng MFN có điều kiện. Mỹ là một nước có thể đưa ra cách đối xử theo Nguyên tắc Tối huệ quốc có điều kiện, Mỹ có tiềm lực kinh tế mạnh, là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, hàng hóa của các nước khác đều mong muốn xâm nhập vào thị trường Mỹ do vậy Mỹ có sử dụng Nguyên tắc này để gây sức ép trong quan hệ thương mại. Sau chiến tranh thế giới thứ II, khi chiến tranh lạnh lên cao thì Mỹ không cho Liên Xô và các nước XHCN khác được hưởng Quy chế Tối huệ quốc, sau đó Mỹ sửa lại là cho phép áp dụng Quy chế này nhưng kèm theo hai điều kiện là (i) cho phép người dân của nước đó tự do di cư; (ii) Quốc gia đó phải ký kết hiệp định thương mại với Mỹ và được Mỹ phê chuẩn. Như Nam Tư là nước đã từng được Mỹ cho hưởng Nguyên tắc này nhưng sau khi nội chiến ở Nam Tư xảy ra thì Mỹ không cho hưởng nữa, tương tự cũng được áp dụng với Irag, Việt Nam được hưởng nguyên tắc này nhưng có điều kiện và phải được gia hạn, Quốc hội Mỹ hàng năm sẽ họp lại và xem xét có tiếp tục cho VN được hưởng nữa hay không, nếu tiếp tục tái cho phép thì có phải gia tăng thêm điều kiện gì không?, VD: Trung Quốc những năm 1980 đã được Mỹ cho hưởng nguyên tắc này rồi nhưng Mỹ gắn theo đó là một số điều kiện có thể gây sức ép về vấn đề chính trị, nhân quyền, Đài Loan v.v… chỉ tới khi TQ trở thành thành viên chính thức của WTO thì TQ được hưởng sự đối xử Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn của Mỹ.

Previous
Next Post »