Những ngoại lệ của MFN là gì?



Ngoại lệ1: Mậu dịch biên giới. Những ưu đãi trong mậu dịch đường biên sẽ không được áp dụng với những nước khác như quan hệ thương mại giữa VN và TQ thì VN dành ưu đãi cho hàng hoá TQ qua đường biên và TQ dành cho VN trong mối quan hệ mậu dịch đường biên như định mức thuế khi mang hàng hoá qua biên giới là 500 nghìn/ngày/người, những ưu đãi kiểu như vậy thì các nước khác (như Mỹ, Nhật) không thể đòi hỏi VN cho họ hưởng mặc dù họ cũng được VN dành cho sự đối xử tối huệ quốc.


Ngoại lệ 2: Những ưu đãi trong những thoả thuận thương mại khu vực (RTAs). Vd: Việt Nam dành cho những nước trong khối ASEAN sự ưu đãi đặc biệt, thì hàng hoá của Mỹ không thể đòi hỏi được sự đối xử ưu đãi như vậy. Cũng tương tự Mỹ dành những ưu đãi cho những nước trong khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ – NAFTA (Canada, Mỹ, Mehico), VN không thể đòi hỏi Mỹ đối xử với VN những ưu đãi như vậy. Những thoả thuận thương mại không chỉ bao hàm những thoả thuận mang tính địa lý (như ASEAN; NAFTA) mà có thể cả những hiệp định thương mại tự do giữa các nước (như giữa Mỹ và Australia; Nhật – Thái Lan) cũng là ngoại lệ của nguyên tắc tối huệ quốc. Ngày nay, số lượng các thoả thuận thương mại khu vực ngày càng tăng, thì ý nghĩa của nguyên tắc tối huệ quốc giảm đi.


Ngoại lệ 3: Những ưu đãi đặc biệt mà các nước phát triển dành cho các nước đang và chậm phát triển. Như Châu Âu có chương trình miễn thuế cho hầu như tất cả hàng hóa (trừ vũ khí) của các nước kém phát triển, hoặc như Mỹ cũng có chương trình ưu đãi thuế cho các nước ở Châu Phi, EU có chương trình ưu đãi cho các nước ở Châu Phi, Thái Bình Dương, khu vực Châu Mỹ La tinh.


VD: Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập – Generalized System of Preferences – GSP. Đây là một ngoại lệ tiêu biểu (Nếu thi có câu hỏi: EU dành cho Việt Nam sự đối xử như thế này, nhưng lại không dành cho Nhật Bản sự đối xử như vậy thì điều đó có phải vi phạm Nguyên tắc Tối huệ quốc không? chúng ta chiếu vào ngoại lệ này và ta thấy ưu đãi mà các nước phát triển dành cho các nước đang và chậm phát triển chính là ưu đãi ngoại lệ – EU ưu đãi như vậy hoàn toàn không vi phạm nguyên tắc Tối huệ quốc.


Ngoại lệ 4: Mua sắm chính phủ – Government Procurement. Đây là một ngoại lệ trong Nguyên tắc Tối huệ quốc và Nguyên tắc Đối xử Quốc gia.

Trên đây là 4 ngoại lệ cơ bản của Nguyên tắc Tối huệ quốc, ngoài ra còn có những Ngoại lệ khác và các biện pháp tự vệ trong thương mại. Ví dụ: một mặt hàng có hành vi bán phá giá thì sẽ bị áp dụng Luật chống bán phá giá, hoặc nếu nhập khẩu một mặt hàng nào mà mặt hàng đó đe dọa tới an ninh quốc phòng, đến môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc quốc gia thì quốc gia đó có thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ quốc gia kia – Việc đó không vi phạm Nguyên tắc Tối huệ quốc.

Previous
Next Post »