Khái niệm Chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp


Để đánh giá trình độ chuyên môn hoá của một vùng, có thể sử dụng hệ thống chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu chính là tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hoá trong tổng giá trị sản xuất, các chỉ tiêu bổ sung là qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá, tỷ trọng đầu tư các yếu tố đầu vào cho sản xuất sản phẩm hàng hoá…


Do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, cũng như xuất phát từ những yêu cầu về sinh thái, về thị trường, về tài chính của doanh nghiệp, nên các vùng chuyên canh trong nông nghiệp thường phải kết hợp với phát triển đa dạng một cách hợp lý. Sự kết hợp đó phải tuân thủ nguyên tắc là: không được cản trở sự phát triển của sản phẩm chuyên môn hoá và tốt nhất là tạo điều kiện cho sản phẩm chuyên môn hoá phát triển.


Trong điều kiện của Việt Nam, chuyên môn hoá kết hợp với phát triển đa dạng hoá thường được thực hiện dưới một số hình thức chính sau đây:


Thứ nhất, bên cạnh sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá, doanh nghiệp còn có thể phát triển một số sản phẩm khác để tận dụng những yếu tố nguồn lực mà việc sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá chưa sử dụng hết, thường thì đó là những thửa đất không phù hợp để phát triển cây trồng chính, hoặc là để tận dụng lao động nhàn rỗi ngoài thời vụ của sản xuất sản phẩm chính… Sản phẩm sản xuất thêm theo cách này thường không liên quan đến sản xuất sản phẩm chính, xét về mặt kỹ thuật.


Thứ hai, trong vùng chuyên canh một loại cây trồng nào đó, có thể trồng xen những loại cây khác. Việc trồng xen này phải tuân thủ nguyên tắc cây trồng xen không được cản trở, cạnh tranh về dinh dưỡng với cây trồng chính. Trên thực tế, ở Việt Nam thường thấy các hình thức trồng xen như: khi cây lâu năm chưa khép tán, người ta trồng xen các loại cây họ đậu để tận dụng đất trống; hoặc có một số vùng nông dân trồng xen ngô và đậu; trồng xen đậu, ngô giữa các luống trồng khoai lang…

Previous
Next Post »