Thực trạng lao động Việt Nam hiện nay



Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi thị trường lao động ở Việt Nam phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thế nhưng, do mới hình thành và phát triển chưa đồng bộ, nên thị trường lao động Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu điểm lẫn mâu thuẫn, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất lao động thấp. Trong khi chúng ta dư thừa sức lao động ở nông thôn thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng.

Phân tích về thực trạng thừa thiếu việc làm, GS-TS Nguyễn Bá Ngọc (Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động – xã hội) cho rằng, tổng việc làm của nền kinh tế tăng nhưng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, những năm vừa qua hệ số co giãn việc làm ở nước ta chỉ đạt mức trung bình 0,28% (tức là khi GDP tăng thêm 1% thì việc làm chỉ tăng 0,28%), so với các nước trong khu vực hệ số co giãn việc làm còn thấp. Điều này có nghĩa là tăng trưởng chưa tạo ra nhiều việc làm, đem lại lợi ích cho người lao động.


Hiện cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một nước kém phát triển và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng (chiếm tỷ trọng gần 97% trong tổng số lao động thiếu việc làm chung).


Mặc dù, sự chuyển dịch cơ cấu lao động đã có tín hiệu tích cực nhưng chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc phân phối, sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế mất cân đối. Cụ thể, ở khu vực ngoài nhà nước sử dụng (trên 87%) lao động xã hội, nhưng đại bộ phận làm việc ở hộ cá thể, sản xuất nhỏ phân tán, phi chính thức với trình độ công nghệ, phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp.


Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ việc làm không bền vững chiếm tỷ lệ 2/3 hoặc 3/4. Tình trạng việc làm khu vực phi chính thức (chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số việc làm) nhưng không được hưởng chính sách an sinh xã hội, luôn đối mặt với việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, ít được bảo vệ. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong bức tranh chung của thị trường lao động Việt Nam: chất lượng lao động thấp dẫn đến lương thấp, năng suất lao động thấp và cuối cùng cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.


Cơ cấu thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi, nhiều vị thế công viêc đã được cải thiện, tuy nhiên phần lớn công việc vẫn có chất lượng thấp, vẫn tồn tại nguy cơ thiếu việc làm bền vững.


1.           Lao động nông nghiệp là chủ yếu


Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, nhìn vào nhóm dân số có việc làm, có thể nhận thấy một số xu hướng quan trọng, Việt Nam mặc dù đã có một số thành phố lớn, vẫn là một nước nặng về nông nghiệp, nông thôn, do đó, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng nhất và lao động ở ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng việc làm lớn nhất.


Theo số liệu điều tra của ILO, năm 2007 có 23,8 triệu người có việc làm trong ngành này, chiếm khoảng 52% tổng số người có việc làm. So với những năm trước, lao động nông nghiệp đã có xu hướng giảm, tuy nhiên tính chất nông thôn và sự phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp phản ánh thị trường lao động Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững.


Lý giải thực trạng trên, một chuyên gia của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, ở nông thôn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm luôn ở mức cao, vì việc nhà nông thường theo thời vụ. Cụ thể, theo điều tra của Bộ này, năm 2008, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn là 6,1%, trong khi mức này ở thành thị chỉ chiếm 2,3%.


Báo cáo “Xu hướng việc làm” của ILO cũng cho thấy, các ngành nghề tiếp theo chiếm tỷ lệ lao động lớn bao gồm, ngành công nghiệp chế biến với khoảng 12%. Ngành này đóng vai trò lớn đối với thị trường lao động khi cung cấp việc làm cho 5,6 triệu người (năm 2007), tăng hơn 2 triệu so với cuối những năm 90.


Đứng thứ ba là ngành thương nghiệp (bao gồm cả sửa chữa xe có động cơ) thu hút 4,8 triệu lao động, chiếm gần 11% . Với 2,6 triệu lao động, ngành xây dựng cũng là một trong những ngành có nhiều lao động, chiếm khoảng 6%.


Ngoài ra, báo cáo của ILO còn phản ánh một thực trạng dẫn đến việc thiếu việc làm hiệu quả do nhóm lao động giản đơn hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Năm 2007, nhóm lao động giản đơn là 28,1 triệu người, chiếm 62% tổng số người có việc làm. Trong đó, nam giới chiếm 58% tổng số nam giới có việc làm, và nữ giới lao động giản đơn chiếm tới 66% tổng số nữ giới có việc làm.



2.           Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động


Cơ cấu lao động có thể hiểu là một phạm trù kinh tế tổng hợp, thể hiện tỷ lệ của từng bộ phận lao động nào đó chiếm trong tổng số, hoặc thể hiện sự so sánh của bộ phận lao động này so với bộ phận lao động khác.


Cơ cấu lao động thường được dùng phổ biến là: Cơ cấu lao động phân theo thành thị, nông thôn; Cơ cấu lao động chia theo giới tính, độ tuổi; Cơ cấu lao động chia theo vùng kinh tế; Cơ cấu lao động chia theo ngành kinh tế; Cơ cấu lao động chia theo trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật; Cơ cấu lao động chia theo trình độ có việc làm, thất nghiệp ở thành thị; Cơ cấu lao động chia theo thành phần kinh tế. Cũng có thể hiểu chuyển dịch cơ cấu lao động: là sự thay đổi tăng, giảm của từng bộ phận trong tổng số lao động, theo một không gian và khoảng thời gian nào đó. Như vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động là một khái niệm nêu ra trong một không gian và thời gian nhất định, làm thay đổi chất lượng lao động.


Cơ cấu lao động được chuyển dịch tuỳ theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế, phục vụ và đáp ứng cho chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, cơ cấu lao động được chuyển dịch nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự hấp dẫn của nghề nghiệp, điều kiện làm việc, hưởng thụ của ngành nghề mới sẽ chuyển dịch sang làm việc; sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể… Tuy nhiên, khi cơ cấu lao động được chuyển dịch thuận lợi, lại tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi và đòi hỏi phải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.


Hai mươi năm qua ( 1986-2005), cơ cấu lao động Việt Nam đã có những chuyển dịch chủ yếu sau đây:


Một là, số người mù chữ trong dân số và lao động ngày càng giảm Nếu so với lực lượng lao động, số lao động mù chữ trong lực lượng lao động ngày càng giảm. Năm 1996, có 5,7% số người chưa biết chữ. Nhờ các biện pháp tích cực và các hình thức học tập xoá mù chữ phù hợp nên đến năm 2004, số mù chữ chỉ chiếm 4,44% lực lượng lao động ; đến năm 2005, đã giảm xuống còn 4,04%. Số không biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học cũng giảm, từ 20,32% năm 1989 xuống còn 18,32% năm 2004. Tuy nhiên, số người mù chữ trong lực lượng lao động năm 2005 không đều giữa các vùng lãnh thổ. Trong 8 vùng lãnh thổ, tỷ lệ lao động mù chữ cao nhất là Tây Bắc ( 17,6%), tiếp đến là Tây Nguyên ( 10,5%), thấp nhất là vùng đồng bằng sông Hồng ( 0,6%) và Bắc Trung bộ ( 1,9%).


Hai là, số người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng giảm, số người qua đào tạo ngày càng tăng Nhờ phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo ở mọi miền vùng, khu vực và trong cơ sở sản xuất kinh doanh nên số người không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ( những người không được đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên) trong số người hoạt động kinh tế thường xuyên từ 15 tuổi trở lên ngày càng giảm. Năm 1979, tỷ lệ này là 95,03%; đến 1989 giảm xuống còn 92,7%; đến 1999 còn 91,9% và đến 2005 giảm xuống còn 75,21%. Số lao động qua đào tạo ngày càng tăng. Cụ thể, tỷ lệ này đã tăng từ 17,05% năm 2001 lên đến 24,79% năm 2005. Trong đó, riêng năm 2005, số người có chứng chỉ nghề/sơ cấp, có bằng CNKT hoặc tương đương CNKT là 15,22%, tốt nghiệp trung học công nghiệp là 4,30%, tốt nghiệp CĐ, ĐH và trên ĐH là 5,27%. Tuy nhiên, về mặt chất lượng đào tạo cũng còn nhiều vấn đề và chưa đạt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo là 30% như Nghị quyết Đại hội lần thứ IX đã nêu. Trong 8 vùng lãnh thổ, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Vùng có tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo cao nhất là Đông Nam bộ ( 37,4%), tiếp đến là đồng bằng sông Hồng ( 34,4%), thấp nhất là vùng Tây Bắc ( 13,5%).


Ba là, dân số và lao động ở thành thị ngày càng tăng Cùng với sự nghiệp CNH-HĐH, đô thị hoá, dân số và lao động ở thành thị ngày càng tăng. Năm 1986, dân số cả nước là 61.109.000 người, trong đó ở thành thị là 11.817.000 người, chiếm 19,3% và ở nông thôn là 49.292.000 người chiếm 80,7%. Đến năm 1999, dân số cả nước đã tăng lên 76.327.000 người, trong đó thành thị chiếm 23,5%. Năm 2005, dân số cả nước đã tăng lên 83,1 triệu người, trong đó ở thành thị là 22,4 triệu người, chiếm 26,95%. Xét về cơ cấu của lực lượng lao động theo vùng nông thôn và thành thị cũng có sự chuyển dịch đáng kể.



Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • tinh hinh viec lam o nuoc ta hien nay
  • ,
    Previous
    Next Post »