Nguyên tắc cơ bản trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước


 


Để đảm bảo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước đem lại kết quả tốt cần quán triệt đầy đủ các nguyên tắc cơ bản sau:


Một là, Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của nhà nước và năng lực quản lý của mỗi cấp trên địa bàn


– Phân cấp quản lý ngân sách của các cấp chính quyền không tách rời phân cấp quản lý kinh tế – xã hội. Mỗi đơn vị hành chính có chức năng và nhiệm vụ quản lý kinh tế – xã hội theo phân cấp phù hợp với đặc điểm của mỗi cấp chính quyền. Do đó cần phải xem xét về chức năng thực tế và quy mô nhiệm vụ từng cấp hành chính để có quy định phân thành một cấp ngân sách hay chỉ là một đơn vị dự toán. Phân cấp quản lý ngân sách phải gắn với mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, phải phù hợp và tương ứng với mô hình tổ chức các cơ quan công quyền, gắn với thực trạng nền kinh tế và phải được đánh giá trên các khía cạnh chủ yếu như cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, tốc độ tăng trưởng, năng suất, hiệu quả thu nhập và phân phối thu nhập…Thực trạng kinh tế mỗi địa phương sẽ quyết định đến nguồn lực tài chính ở địa phương đó. Phân cấp nguồn lực tài chính ở mỗi địa phương phải quan hệ chặt chẽ với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội trên địa bàn. Vì vậy phân cấp quản lý ngân sách phải phù hợp, nhằm đảm bảo điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.


Khi phân cấp nguồn thu chú trọng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tại chỗ, khuyến khích khai thác thu và phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng. Nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp Chính quyền đó.


+ Phân cấp tối đa nguồn thu trên địa bàn để bảo đảm nhiệm vụ chi được giao; hạn chế bổ sung từ ngân sách cấp trên.


+ Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ.


+ Bảo đảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới không được vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia quy định của cấp trên về từng khoản thu được phân chia.


Trên cơ sở nguồn thu ngân sách các cấp được hưởng (các khoản thu được hưởng 100%; các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm %) ngân sách các cấp lập dự toán thu NSNN trên địa bàn, và dự toán chi ngân sách địa phương. Về nguyên tắc ngân sách địa phương không được bội chi nên khi cân đối ngân sách địa phương, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng không đáp ứng được yêu cầu chi của địa phương thì sẽ áp dụng phương pháp bổ sung cân đối.


Phân cấp nhiệm vụ chi phải gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  – xã hội của mỗi cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống dân cư trên địa bàn.


– Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp nào ngân sách cấp đó đảm bảo; việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.


– Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình, thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ.


– Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cấp thành phố quyết định, thời gian thực hiện phân cấp này phải phù hợp với thời kỳ ổn định ngân sách ở địa phương; cấp xã được tăng cường nguồn thu, phương tiện và cán bộ quản lý tài chính – ngân sách để quản lý tốt, có hiệu quả các nguồn lực tài chính trên địa bàn được phân cấp.


Hai là, Đảm bảo vai trò chủ đạo của Trung ương và vị trí độc lập của ngân sách địa phương trong hệ thống NSNN thống nhất. Trong nền kinh tế thị trường, ngân sách trung ương ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ lớn, quan trọng như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, đầu tư phát triển còn phải tổ chức quản lý và điều tiết mọi hoạt động kinh tế, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô. Chính quyền cấp trên cũng có nhiệm vụ quan trọng lớn hơn chính quyền cấp dưới. Để thực hiện nhiệm vụ, mỗi cấp chính quyền cần có trong tay nguồn lực tài chính nhất định, chính quyền cấp trên cần có nguồn lực tài chính lớn hơn cấp dưới nhưng phải đảm nhận cấp kinh phí đáp ứng cho các nhiệm vụ, yêu cầu to lớn và trọng đại có liên quan đến quốc gia hoặc phạm vi lãnh thổ rộng lớn hơn. Ngân sách các cấp chính quyền địa phương phải nâng cao tính chủ động sáng tạo trong việc phân bổ, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, làm cho nguồn lực tài chính quốc gia thêm dồi dào. Muốn vậy ngân sách các cấp chính quyền ở địa phương phải có vị trí độc lập trong hệ thống NSNN thống nhất.


Ba là, Đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân cấp quản lý NSNN. Đảm bảo tính cân đối giữa thu nhập quốc dân sản xuất và thu nhập quốc dân sử dụng trên từng vùng, từng địa phương. Để giảm bớt khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các địa phương, trong quá trình phân cấp cần được sử dụng phương pháp điều hoà ngân sách, tức là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính trong phạm vi hệ thống ngân sách, chuyển một phần số thu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Thông qua phương pháp bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu, đây là hai phương pháp tài trợ mà chính quyền cấp trên thường sử dụng đối với chính quyền cấp dưới.


– Bổ sung cân đối: Bổ sung cân đối thu, chi ngân sách nhằm bảo đảm cho chính quyền cấp dưới cân đối nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được giao. Số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương được xác định theo nguyên tắc xác định số chênh lệch giữa số chi và nguồn thu ngân sách cấp dưới (các khoản thu được hưởng 100% và phần được hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương).


– Bổ sung có mục tiêu: Bổ sung có mục tiêu nhằm hỗ trợ ngân sách cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ:


+ Hỗ trợ thực hiện các chính sách, chế độ mới do cấp trên ban hành chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách các cấp có liên quan;


+ Hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án quốc gia giao các cơ quan địa phương thực hiện, mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao;


+ Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nằm trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, ngân sách cấp dưới đã bố trí chi nhưng chưa đủ nguồn, mức hỗ trợ theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.


+ Hỗ trợ một phần để xử lý khó khăn đột xuất: khắc phục thiên tai, hoả hoạn, tai nạn trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng, một phần quỹ dự trữ tài chính của địa phương nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.


+ Hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác, mức bổ sung theo quyết định của cấp có thẩm quyền.


+ Số bổ sung theo mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định hàng năm. Mức bổ sung cụ thể được căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp trên và yêu cầu về mục tiêu cụ thể của cấp dưới. Việc sử dụng vốn, kinh phí bổ sung theo mục tiêu phải theo đúng mục tiêu quy định.


Ngoài ra, việc thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền qua chi ngân sách cấp trên vào đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội cũng được sử dụng như biện pháp bổ trợ cho hai phương thức trên.



Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • nguyên tắc phân cấp ngân sách
  • phan tich cac nguyen tac quan ly ngan sach nha nuoc
  • ,
    Previous
    Next Post »