Mối liên hệ giữa lạm phát với chi tiêu công



“Lạm phát là hiện tượng giá cả tăng nhanh và liên tục trong thời gian dài”. Các nhà khoa học đã thống nhất có ba nguyên nhân cơ bản gây lạm phát bao gồm:

  • Lạm phát do cầu kéo, tức là tổng cầu (tổng chi tiêu) tăng lên vượt quá mức cung ứng hàng hóa dẫn đến áp lực tăng giá cả dẫn đến lạm phát cả trong ngắn hạn và dài hạn.
  • Lạm phát do chi phí đẩy, tức là do áp lực tăng giá cả sản xuất do tốc độ tăng của chi phí sản xuất vượt quá tốc độ tăng của năng suất lao động xã hội và giảm mức cung ứng hàng hóa của xã hội, làm giá cả đồng loạt tăng. Các nhân tố chủ yếu đẩy chi phí dẫn tới lạm phát bao gồm: Mức tăng tiền lương vượt quá mức tăng năng suất lao động xã hội; lợi nhuận ròng của nhà sản xuất tăng đẩy giá cả tăng; thuế và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN), giá nội địa của hàng nhập khẩu tăng làm tăng giá hàng nhập khẩu…
  • Lạm phát do hệ thống chính trị không ổn định, xã hội bất ổn, người dân thiếu tin tưởng vào sự điều hành của Nhà nước và đồng tiền bản địa, dùng tiền bản địa mua hàng hóa có thể dự trữ được như vàng, ngoại tệ, bất động sản… để bảo toàn vốn, làm lạm phát bùng phát.

Theo như phân tích trên, chi tiêu công tăng đột biến và hiệu quả chi tiêu công thấp sẽ làm gia tăng lạm phát. Về lượng, chi tiêu công tăng đột biến làm tổng cầu tăng đột ngột, tức là làm nảy sinh lý do thứ nhất của lạm phát là cầu kéo. Về chất, chi tiêu công không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp so với kỳ vọng của chính phủ, hoặc hiệu quả chi đầu tư công thấp so với hiệu quả đầu tư toàn xã hội (Icor tăng cao), làm tăng chi phí xã hội là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất – nguyên nhân thứ hai gây lạm phát gia tăng. Khi chi tiêu công tăng về số lượng mà chất lượng chi tiêu giảm sẽ khiến người dân nghi ngờ khả năng quản lý kinh tế của chính phủ và tẩy chay đồng tiền bản địa, từ đó gia tăng tích trữ bằng cách mua sắm các tài sản như vàng, bất động sản… nhằm bảo toàn vốn, làm nảy sinh nguyên nhân thứ ba gây lạm phát.


Thực trạng mối quan hệ giữa chi tiêu công và lạm phát ở Việt Nam


Lạm phát thực sự đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng tới 9,4%, đã cao hơn mục tiêu kiềm chế ở 7% mà Quốc hội thông qua đầu năm.


Trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn cao hơn một cách bất thường so với các nước trong khu vực. Trong khi ở các nước này nhìn chung mức lạm phát luôn thấp hơn mức tăng trưởng GDP (cụ thể là hầu hết đều dưới 5%) từ năm 2004 đến nay, thì lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn tăng trưởng GDP, nguyên nhân cơ bản của lạm phát ở Việt Nam chính là yếu tố tiền tệ. Nói một cách khác nguồn vốn đã không được sử dụng hiệu quả do: đầu tư công quá mức; sự thiên lệch trong việc phân bổ vốn ở khu vực doanh nghiệp; và cuối cùng là việc theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá đồng tiền trong bối cảnh lạm phát luôn tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.


Giai đoạn 2008 – 2011, Chính phủ Việt Nam gia tăng cả chi thường xuyên và chi đầu tư với tốc độ cao. Khi chúng ta muốn tăng 1% hoặc 2% GDP thì phải tốn kém rất nhiều tiền. So sánh với các nước, chúng ta thấy Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trên 10% nhưng tốc độ tăng tín dụng chỉ khoảng 17-18%; Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6% nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ 7-8%; đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng phải tới 30%, thậm chí có những năm trên 50% mới đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%.


Nhưng trên thực tế, nhà nước đã tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế và nhiều khi còn cạnh tranh và chèn lấn khu vực tư nhân.


Cũng liên quan đến đầu tư công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm: “Lạm phát của Việt Nam bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng và cách thức mà chúng ta sử dụng để đạt được mục đích tăng trưởng. Tăng trưởng của chúng ta cho đến nay chủ yếu vẫn dựa vào mở rộng đầu tư, nhưng đầu tư nhìn chung lại kém hiệu quả, nhất là đầu tư nhà nước.”


Trên thế giới, minh bạch là một trong yếu tố quan trọng để xác định việc quản trị/ quản lý chi tiêu công. Tại VN, yếu tố minh bạch đó lại khá mơ hồ, nếu không muốn nói là tuy có con số rất cụ thể về các khoản chi tiêu của các cấp chính quyền, các đơn vị quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp được kiểm soát và tài trợ của Chính phủ, nhưng việc xác định, đánh giá thực chất và hiệu quả của các khoản chi đã được rót ra và được Quốc hội thông qua hàng năm, vẫn phải cần một… “độ trễ” nhất định.


. Để xác định lượng hàng hóa mà nhà nước cung cấp thông qua các khoản chi mà khu vực tư không thể tự cấp được ra xã hội có chất lượng ra sao, bao giờ người ta cũng phải chờ một “độ trễ”.


Điển hình là các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong một thời gian dài, nền kinh tế duy trì hình thức đầu tư xây dựng BT (xây dựng – chuyển giao hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng) khiến tình trạng tiêu cực trong cơ chế xin – cho tràn lan. Việc sử dụng nguồn vốn ODA sai mục đích hoặc chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng xảy ra. Tổng kết thời kỳ 2006 – 2010 về việc huy động vốn từ nguồn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Do có nhiều dự án trong cùng một ngành/lĩnh vực với quy mô nguồn vốn tài trợ khác nhau đều đòi hỏi phải thực hiện các quy trình và thủ tục chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án như nhau, điều này làm gia tăng chi phí giao dịch và quá tải cho những đơn vị quản lý, nhất là cấp cơ sở, nơi năng lực quản lý dự án còn nhiều bất cập. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất thoát nguồn vốn chi NSNN, khiến hệ số đầu tư trong nền kinh tế luôn ở mức quá cao trong khi hiệu quả sử dụng các nguồn vốn lại khá thấp.



Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • chi tiêu công là gì
  • ,
    Previous
    Next Post »