Nông nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng


Về kinh tế nông nghiệp, ở vùng này, nổi bật lên ở 3 khía cạnh sau đây:


Thứ nhất, đây là vùng có tốc độ tăng trưởng về diện tích và sản lượng mía đường tương đối bền vững, tập trung chủ yếu ở Thanh Hoá. Đến năm 2002, sản lượng mía đường phục vụ cho 3 nhà máy đường lớn ở tỉnh này (tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Nông Cống), đã đạt trên 2 triệu tấn mía cây. Trong những năm tới, diện tích mía đường có thể diễn biến theo chiều hướng ổn định, nhưng sản lượng mía cây sẽ còn tăng nhanh, do xu thế đầu tư thâm canh tăng năng suất mía, nhằm hạ giá thành nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến đường và dành đất để phát triển các loại cây trồng khác.


Thứ hai, trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, các loại cây ăn quả đã bắt đầu được mở rộng diện tích tại vùng Bắc Trung Bộ, trong đó đáng kể nhất là diện tích dứa. Bên cạnh đó, các loại cây có múi như cam, bưởi vẫn tiếp tục khẳng định được vị trí của chúng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng này. Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi tiếng trên cả nước Việt Nam bởi vị đậm và mát. Loại bưởi này đang có triển vọng phát triển nhanh nhờ thị trường tiêu thụ còn rộng lớn, và nhờ tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống tốt. Công nghệ sản xuất giống bưởi ít nhiễm bệnh đang được thực hiện tại Viện cây ăn quả của Việt Nam và có thể được triển khai tại ngay vùng bưởi Phúc Trạch – Hà Tĩnh. Khi đó giống bưởi sạch bệnh sẽ có thể đáp ứng được cho nhu cầu mở rộng diện tích loại quả quí này.


Thứ ba, đây là vùng có tổng diện tích đất rừng và rừng lớn thứ ba (sau Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc), và cũng đứng thứ ba về tỷ lệ đất rừng trong tổng diện tích đất tự nhiên (sau Tây Nguyên và vùng ven biển Nam Trung Bộ). Tại vùng này, diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn. Tuy nhiên, nguy cơ khai thác gỗ làm cạn kiệt tài nguyên rừng vẫn còn thường trực trong đời sống xã hội, và tỷ lệ che phủ trên đất rừng vẫn chưa cao (đến năm 2002, tỷ lệ che phủ trên đất rừng của Thanh Hoá mới đạt trên 40%). Vấn đề trong phát triển rừng của vùng này là: trồng rừng chưa đi đôi với phát triển chế biến gỗ công nghiệp. Do đó, dù rừng trồng chưa nhiều, song đã xuất hiện hiện tượng dư thừa sản phẩm từ rừng trồng. Thực tế trồng luồng của Thanh Hoá là minh chứng điển hình cho vấn đề đó.

Previous
Next Post »