Khái niệm về ngân sách nhà nước là gì?



Tài chính nhà nước là một phạm trù kinh tế- lịch sử, gắn liền với sự ra đời của nhà nước và nền kinh tế hàng hoá tiền tệ. Nhà nước sử dụng quyền lực của mình tham gia vào quá trình phân phối sản phẩm xã hội dưới hình thức tiền tệ như thuế bằng tiền, vay nợ… để phục vụ cho hoạt động của mình hình thành nên ngân sách nhà nước (NSNN), bộ phận quan trọng nhất của khu vực tài chính nhà nước. Tuy nhiên thuật ngữ “ngân sách nhà nước” chỉ thực sự xuất hiện khi nền sản xuất xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định. Lúc này các khoản thu, chi của nhà nước được thể chế hoá bằng luật pháp, tách việc thực hiện quyền lập pháp về NSNN thuộc về Quốc hội và quyền hành pháp về NSNN giao cho Chính phủ điều hành.


Khi nghiên cứu về NSNN cần được xem xét cả biểu hiện bên ngoài và thực chất bên trong của nó:


Căn cứ vào biểu hiện bên ngoài thì NSNN là một bảng dự toán thu, chi bằng tiền của nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm hoặc một số năm. Hàng năm Chính phủ dự toán các khoản thu vào quỹ NSNN, đồng thời dự toán các khoản chi cho sự nghiệp kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, quản lý hành chính…từ quỹ NSNN và bảng dự toán này phải được Quốc hội phê chuẩn.


Trong thực tiễn, hoạt động NSNN là hoạt động tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của Nhà nước. Trong quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội, nguồn tài chính luôn vận động giữa một bên là Nhà nước một bên là các chủ thể kinh tế xã hội. Đằng sau các hoạt động đó chứa đựng các mối quan hệ giữa Nhà nước với các chủ thể khác, thông qua việc tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước chuyển dịch của một bộ phận thu nhập bằng tiền của các chủ thể đó thành thu nhập của nhà nước và Nhà nước chuyển dịch thu nhập đó đến các chủ thể được thụ hưởng để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước.


Hoạt động NSNN là sự thể hiện các mặt hoạt động kinh tế – xã hội của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Vai trò của NSNN trong hệ thống tài chính nói chung, cũng như trong khu vực tài chính nhà nước nói riêng, NSNN luôn giữ vị trí trọng yếu trong việc đảm bảo cho sự tồn tại cũng như đối với các hoạt động của nhà nước.


Tóm lại: Có thể hiểu một cách khái quát, NSNN xét ở thể tĩnh và hình thức biểu hiện bên ngoài là toàn bộ các khoản thu, chi bằng tiền của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, phổ biến cho một năm hoặc một số năm để đảm bảo thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước; Xét ở thể động và trong suốt một quá trình, NSNN là khâu cơ bản, chủ đạo của tài chính nhà nước, được nhà nước sử dụng để động viên phân phối một bộ phận nguồn lực xã hội dưới dạng tiền tệ về cho nhà nước để đảm bảo điều kiện vật chất nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước và phục vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà nhà nước phải gánh vác.


Tại điều 1 Luật NSNN được Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ hai, năm 2002 cũng khẳng định: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.


Với khái niệm trên, khi nói đến ngân sách nhà nước, người ta thường đề cập tới 3 đặc tính cơ bản:


+ Tính pháp lý: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện.


+ Tính kinh tế: Phản ảnh các khoản thu và các khoản chi


+ Tính niên độ: Thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định


Xét về bên trong thì ngân sách nhà nước được đặc trưng bằng các mối quan hệ kinh tế trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia để phục vụ cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.



Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • ngân sách nhà nước là gì
  • ,
    Previous
    Next Post »