Nhân tố ảnh hưởng đến cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước


 


   1.  Bổi cảnh và xu thế phát triển kinh tế xã hội ở địa phương


Trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương không có sự biến động lớn thì nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN ổn định. Khi nền kinh tế, chính trị xã hội bất ổn định thì nguồn thu NSNN trên địa bàn bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế, chi cho đảm bảo an ninh quốc phòng và giải quyết các vấn đề xã hội phải thay đổi theo chiều hướng khác. Khi nền kinh tế càng phát triển khả năng tích luỹ của nền kinh tế càng lớn, khả năng chi cho đầu tư phát triển càng cao. Như vậy cơ chế phân cấp quản lý NSNN cũng vì thế mà phải thay đổi cho phù hợp.


Trong điều kiện hiện nay, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đang là nhân tố ảnh hưởng lớn đến phân cấp quản lý NSNN ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Bởi lẽ, sự tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm thay đổi chức năng nhiệm vụ của nhà nước trong thời kỳ mới. Trong thời kỳ hội nhập, Nhà nước không can thiệp sâu sắc và trực tiếp vào nền kinh tế mà chỉ đóng vai trò là người cầm cân nảy mực, tạo môi trường hành lang pháp lý cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô, việc đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế bằng nguồn vốn NSNN chỉ tập trung ở những khâu trọng yếu không có khả năng thu hồi vốn và đáp ứng các nhu cầu phúc lợi xã hội. Vì vậy đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới phân cấp quản lý NSNN.


2.  Tính chất cung cấp hàng hoá công cộng


Hàng hoá công cộng được hiểu là các hàng hoá, dịch vụ mà việc sử dụng nó của các chủ thể này không làm cản trở tới việc sử dụng của các chủ thể khác. Có thể nói đó là các hàng hoá mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng và lợi ích từ việc sử dụng đó đối với bất kỳ chủ thể nào cũng hoàn toàn độc lập với các chủ thể khác cùng sử dụng.


Trong quản lý hành chính nhà nước, chính quyền nhà nước các cấp vừa phải đảm bảo chức năng quản lý vừa phải đảm bảo chức năng cung cấp các dịch vụ công cộng cho xã hội. Phần lớn các hàng hoá công cộng đều được cung cấp bởi khu vực công (chính quyền nhà nước ở trung ương và địa phương).


Đây là yếu tố căn bản khi phân giao quyền hạn và trách nhiệm giữa các cấp trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trong việc cung cấp hàng hoá công cộng. Điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ đòi hỏi phải được phân chia nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Đây chính là tiền đề để phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp chính quyền địa phương.


3. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của các cấp chính quyền ở địa phương


Đây là một nhân tố có tính đặc thù mà cần được quan tâm. Tính đặc thù đó thường được biểu hiện ở những đặc điểm tự nhiên về địa hình (như miền núi, vùng đồng bằng, đô thị), vùng có tài nguyên, có địa thế đặc biệt hay có điệu kiện xã hội đặc biệt (như lợi thế trong phát triển du lịch dịch vụ, phát triển khu cụm công nghiệp, dầu mỏ, khoảng sản…) hoặc có điều kiện xã hội đặc biệt (như dân tộc, tôn giáo, trình độ dân trí, điểm nóng về chính trị…). ở những vùng, những địa phương này có thể coi là một đối tượng đặc biệt của cơ chế phân cấp dẫn tới những nội dung phân cấp đặc thù cho phù hợp.


Sự đa dạng về mặt xã hội tạo ra sự khác biệt về nhu cầu, sở thích đối với hàng hoá dịch vụ công do mức thu nhập tạo ra, sự đa dạng về về văn hoá, xã hội, chủng tộc cũng là những nguyên nhân đứng sau sự khác biệt này. Khi sự khác biệt nảy sinh thì đòi hỏi cơ chế phân cấp phù hợp sẽ mang lại hiệu quả hơn.


4. Mức độ phân cấp về quản lý hành chính – kinh tế – xã hội giữa các cấp chính quyền


Việc tổ chức bộ máy nhà nước theo các đơn vị hành chính lãnh thổ nảy sinh yêu cầu hình thành những cấp ngân sách nhà nước tương ứng với từng cấp hành chính đó. Tuy nhiên đây mới chỉ là điều kiện cần, bởi vì có nhiều cách khác nhau trong việc chuyển giao một bộ phận trong tổng thể các nguồn tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ của mỗi đơn vị hành chính. Chẳng hạn, có thể giao một số quyền lực huy động nguồn thu trên địa bàn, hoặc cho phép toàn quyền quyết định mọi vấn đề thu, chi hay thực hiện việc chuyển giao kinh phí đảm bảo theo nhu cầu thực tế phát sinh.


Những cách thức chuyển giao đó không thể diễn ra một cách tuỳ tiện mà nó phụ thuộc vào mức độ phân cấp về quản lý hành chính – kinh tế – xã hội giữa các cấp chính quyền nhà nước.


5. Sự cần thiết phải phân cấp quản lý NSNN


Về lý thuyết, quản lý và điều hành ngân sách có thể tập trung cao độ mọi quyền lực vào chính quyền trung ương. Nhà nước chỉ có một ngân sách duy nhất, ngân sách này do chính quyền trung ương toàn quyền quản lý và quyết định sử dụng, phủ nhận sự tồn tại độc lập của ngân sách địa phương.


Lợi thế của cách quản lý này là cho phép tập trung toàn bộ nguồn thu vào tay nhà nước trung ương để bố trí chi tiêu cho hợp lý, công bằng, đồng đều giữa các vùng, miền, ngành nghề chống biểu hiện cục bộ địa phương.


Tuy nhiên, phương án này tạo ra tư tưởng ỷ nại, thụ động trông chờ vào trung ương và đặc biệt là nguồn lực có hạn của xã hội của xã hội có thể bị sử dụng lãng phí, không đáp ứng đúng đắn và kịp thời nhu cầu của người dân. Do đó trên thực tế các nhà nước đều thực hiện phân cấp quản lý ngân sách ở mức độ nhất định cho chính quyền địa phương. Phân cấp được xem như một phương thức để tăng tính dân chủ linh hoạt, hiệu quả và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cung cấp các hàng hoá và dịch vụ công cộng.


 

Previous
Next Post »