Nội dung phân cấp quản lý ngân sách nhà nước



Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là việc xử lý các mối quan hệ giữa các cấp chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương trong hoạt động của ngân sách nhà nước, từ đó cho phép hình thành một cơ chế phân chia ranh giới quyền lực về quản lý ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền. Vì vậy nội dung phân cấp quản lý ngân sách nhà nước về cơ bản bao gồm 3 nội dung chủ yếu sau:


Một là, Về quyền lực: Phân cấp ban hành chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức:


Trong quản lý ngân sách nhà nước, chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức có vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Đó không chỉ là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách và kiểm soát chi tiêu, mà còn là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quản lý và điều hành ngân sách của các cấp chính quyền.


Thông qua việc phân cấp nhằm làm rõ vấn đề cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành ra các chế độ, chính sách, định mức, tiêu chuẩn, phạm vi, mức độ của mỗi cấp chính quyền. Cơ sở pháp lý này được xây dựng dựa trên hiến pháp hoặc các đạo luật tổ chức hành chính, từ đó định ra hành lang pháp lý cho việc chuyển giao các thẩm quyền gắn với các trách nhiệm tương ứng với quyền lực đã được phân cấp, đảm bảo tính ổn định, tính pháp lý, không gây sự rối loạn trong quản lý ngân sách nhà nước.


Hội đồng nhân dân cấp thành phố quyết định một số chế độ thu phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; việc huy động vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp thành phố. Được quyết định chế độ chi ngân sách phù hợp với đặc điểm thực tế ở địa phương. Riêng chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.


Hai là, Phân cấp về mặt vật chất, tức là phân cấp về nguồn thu và nhiệm vụ chi:


Có thể nói đây luôn là vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất, gây nhiều bất đồng nhất trong quá trình xây dựng và triển khai các đề án phân cấp quản lý ngân sách. Sự khó khăn này bắt nguồn từ sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội giữa các vùng miền trong cả nước.


Ngân sách trung ương hưởng các khoản thu tập trung quan trọng không gắn trực tiếp với công tác quản lý của địa phương như: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thu từ dầu thô…hoặc không đủ căn cứ chính xác để phân chia như: thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ chi cho các hoạt động có tính chất đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia như: Chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, chi quốc phòng, an ninh, chi giáo dục, y tế, chi đảm bảo xã hội do Trung ương quản lý…và hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách


Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu để đảm bảo chủ động thực hiện những nhiệm vụ được giao, gắn trực tiếp với công tác quản lý tại địa phương như: Thuế nhà đất, thuế môn bài, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao…


Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương gắn liền với nhiệm vụ quản lý kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh do địa phương trực tiếp quản lý. Việc đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách trong điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ quản lý ở các vùng, miền khác nhau là động lực quan trọng để khơi dậy các khả năng của địa phương, xử lý kịp thời các nhiệm vụ của Nhà nước trên phạm vi từng địa phương.


Ngân sách cấp trên thực hiện nhiệm vụ bổ sung ngân sách cho ngân sách cấp dưới dưới hai hình thức: Bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu.


Nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp được quy định cụ thể tại các điều 30, 31, 32, 33, 34 Luật NSNN năm 2002. Trong đó quy định nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương như sau:


   1. Nguồn thu của ngân sách địa phương 


– Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%: Theo cơ chế phân cấp hiện tại, các khoản thu mà NSĐP được hưởng 100% gồm các khoản thu như: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu nộp ngân sách khác, Cụ thể


+ Thu từ thuế: Thuế nhà đất, thuế tài nguyên (không kể thuế tài nguyên hoạt động dầu khí); Thuế môn bài; Thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế sử dụng đất nông nghiệp;


+ Thu từ phí và lệ phí: Lệ phí trước bạ; phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật từ các khoản phí, lệ phí do các cơ quan đơn vị thuộc địa phương tổ chức thu, không kể phí xăng dầu;


+ Các khoản thu ngoài thuế: Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước, không kể tiền thu thuê mặt nước thu từ hoạt động dầu khí; Tiền đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Thu nhập từ vốn góp của NSĐP; Tiền thu hồi vốn của NSĐP tại các cơ sở kinh tế, thu từ quỹ dự trữ của cấp thành phố; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương theo quy định của pháp luật; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật từ các khoản thu sự nghiệp của các đơn vị do địa phương quản lý;


+ Các khoản thu khác: Huy động từ các tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật; Đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước; Thu từ huy động đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; Thu kết dư NSĐP; các khoản thu phạt, tịch thu và thu khác ngân sách; Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên; Thu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang.


– Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Các khoản thu chung, cả NSTW và NSĐP cùng hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) gồm 5 loại chủ yếu. Đây là những khoản có số thu lớn, có tính đàn hồi cao, nhạy cảm với hoạt động kinh tế, có tính điều tiết cao, Cụ thể là:


+ Thuế giá trị gia tăng, không kể thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu;


+ Thuế thu nhập doanh nghiệp, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành;


+ Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;


+ Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá, dịch vụ trong nước;


+ Phí xăng, dầu.


– Thu bổ sung từ ngân sách trung ương;


– Thu từ huy động đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định (tại khoản 3 Điều 8 của Luật NSNN)


   2. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương 


– Chi đầu tư phát triển:


+ Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội do địa phương quản lý;


+ Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước theo quy định của pháp luật;


+ Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;


– Chi thường xuyên:


+ Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế, xã hội, văn hoá thông tin, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, các hoạt động sự nghiệp khác do địa phương quản lý;


+ Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội (phần giao cho địa phương);


+ Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương;


+ Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở địa phương  theo quy định của pháp luật;


+ Thực hiện các chính sách xã hội đối với đối tượng do địa phương quản lý;


+ Chương trình quốc gia do Chính phủ giao cho địa phương quản lý;


+ Trợ giá theo chính sách của Nhà nước;


+ Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;


– Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền huy động cho đầu tư;


– Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của cấp thành phố;


– Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới.


Ngân sách địa phương được sử dụng nguồn thu hưởng 100%, số thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên để cân đối thu, chi ngân sách cấp mình, bảo đảm các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được giao.


– Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cấp thành phố quyết định. Các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương gồm:


+ Các khoản thu về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác ngân sách địa phương hưởng 100% theo quy định tại Điểm 1.3.1 phần II của Thông tư 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003;


+ Các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phần ngân sách địa phương được hưởng theo quy định tại Điểm 1.1.2 phần II của Thông tư 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003;


– Số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương được xác định theo nguyên tắc xác định số chênh lệch giữa số chi và nguồn thu ngân sách các cấp dưới (thu 100% và phần được hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương).


Ba là, phân cấp về quản lý chu trình ngân sách, tức là phân công, phân định trách nhiệm, quyền hạn trong lập, chấp hành và quyết toán NSNN:


Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước thể hiện mối quan hệ giữa các cấp chính quyền nhà nước trong một chu trình ngân sách nhà nước gồm tất cả các khâu: lập ngân sách, duyệt, thông qua tới chấp hành, quyết toán, thanh tra, kiểm tra ngân sách. Yêu cầu của nội dung này đặt ra là giải quyết mối quan hệ về mức độ tham gia, điều hành và kiểm soát của các cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn trong từng khâu quản lý chu trình ngân sách.


Hội đồng nhân dân các cấp có quyền hạn, trách nhiệm trong việc quyết định dự toán ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách địa phương; phân bổ dự toán chi cho các sở, ban, ngành theo từng lĩnh vực cụ thể, quyết định số bổ sung từ ngân sách cấp mình cho ngân sách cấp dưới, phê chuẩn quyết toán ngân sách. Ngoài ra Hội đồng nhân dân cấp thành phố còn có nhiệm vụ:


+ Quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương.


+ Quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương đối với phân ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương và các khoản thu có phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương.


Ngoài ra, việc tổ chức lập ngân sách ở các địa phương được phân cấp cho UBND các thành phố, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể cho từng cấp ở địa phương. Thảo luận về dự toán với cơ quan tài chính chỉ thực hiện vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, các năm tiếp theo chỉ tiến hành khi địa phương có đề nghị.

Previous
Next Post »