Những lợi ích và thách thức khi kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền



1. Lợi ích


Thứ nhất: Phát triển và nhân rộng mạng lưới kinh doanh, đây là một yếu tố tất yếu và cũng là nhu cầu của bất cứ doanh nghiệp một khi phương án và kế hoạch gia tăng thị phần của doanh nghiệp luôn là nhu cầu đặt ra trong thời kỳ mà sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là thực trạng. Chúng ta hiểu rằng, nhu cầu của doanh nghiệp là vô hạn nhưng khả năng và năng lực tài chính là một giới hạn cũng như các yếu tố khác hữu hạn đối với mọi doanh nghiệp đó là con người, kiến thức địa phương và mạng lưới quản trị … Một cách để giải quyết và giúp các doanh nghiệp đáp ứng phần nào nhu cầu vô hạn đó là “mô hình nhượng quyền” được phát triển rất hiệu quả đối với các nước và điều đó đã được minh chứng thông qua các thương hiệu đã và đang áp dụng mô hình này để mở rộng và phát triển trong đó có thể kể đến là Mcdonald’s, gà rán KFC, trà Dilmahs, khách sạn Marriott, Hyatt, Sheraton, cà phê Gloria Jean’s …


Thứ hai: Tạo dựng thương hiệu, như chúng ta biết rằng thương hiệu là tài sản vô hình, giá trị cốt lõi nhất và quan trọng nhất của mọi doanh nghiệp. Để có được điều này các doanh nghiệp phải tốn một khoản tiền rất lớn và trải qua thời gian rất dài nhằm chuyển tải và tác động đến người tiêu dùng về sản phẩm, chất lượng, nét đặc trưng của sản phẩm, dịch vụ với mục đích cuối cùng là tạo dựng thương hiệu. Phương tiện sử dụng hiệu quả nhất đang được vận dụng để tạo dựng nó cũng chính là nhượng quyền.


Thứ ba: Như nêu ra ở trên, thương hiệu là giá trị vô hình và giá trị nhất. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tạo lập thương hiệu để làm gì, có lợi như thế nào đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, kể cả quốc gia cũng như cần phải có sự bù đắp tương xứng với những gì doanh nghiệp đã bỏ ra cho việc tạo dựng nó. Thu tiền từ nhượng quyền thương hiệu là một cách làm nhằm đáp ứng và được cho là phù hợp nhất khi có được thương hiệu.


Thứ tư: Tạo dựng giá trị doanh nghiệp và uy tín doanh nghiệp. Việc phát triển và nhân rộng mô hình thông qua nhượng quyền với thực tế cho thấy rằng trong hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới mang cùng một thương hiệu mà trong số đó chỉ một số lượng cửa hàng nhất định là của chính doanh nghiệp, thậm chí chỉ có một vài cửa hàng mà thôi. Nhưng điều này đã cho thấy được giá trị của doanh nghiệp cũng gia tăng tương ứng với số lượng cửa hàng có cùng thương hiệu, số khách hàng trên khắp nơi tiếp nhận sản phẩm mang thương hiệu này. Điều này thực tế cho thấy rằng, giá trị thị trường được gia tăng cũng như uy tín của doanh nghiệp với các đối tác, tổ chức tín dụng và các thành phần kinh tế xã hội có liên quan đến sự phát triển của các doanh nghiệp.


Thứ năm: Thu lợi gián tiếp từ thương hiệu. Điều này đã được chứng minh rất rõ đối với Mcdonald’s. Vì thực tế có một số nhận định rằng, Mcdonald’s có hiệu quả từ việc kinh doanh bất động sản hơn là hoạt động kinh doanh chính, và cơ sở nào để có được nhận định này. Vì thực tế cho thấy rằng, đất đai tại các cửa hàng của các cửa hiệu Mcdonald’s là hấu hết được chủ doanh nghiệp mua và giao quyền khai thác cho bên nhận nhượng quyền trong một thời gian nhượng quyền nhất định, khi hết thời hạn nhượng quyền thì giá trị của những lô đất này được tăng lên gấp nhiều lần so với giá trị mua ban đầu cũng như so với các lô đất hiện có quanh khu vực của cửa hàng tại cùng thời điểm. Bởi lẽ, người ta cho rằng, chính thương hiệu của Mcdonald’s đã làm cho giá trị của lô đất tại vị trí đó tăng lên nhiều lần và đó là 1 trong những yếu tố gián tiếp tạo thêm lợi thế cho chính lô đất và tương ứng là một khoản lợi nhuận gia tăng thêm cho lô đất được tạo ra từ nhượng quyền.


2. Thách thức


Một thách thức  khi nói đến nhượng quyền kinh doanh là sự tin cậy giữa “bên bán” và “bên mua”. Tiêu chí luôn được đặt ra cho hệ thống các cửa hàng franchise là phải nhất quán từ nội dung kinh doanh, tên hiệu đến cách bài trí để tạo được sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đề cập đến vấn đề này, Phở 24 cho biết, họ luôn có các đội kiểm tra vệ sinh, kiểm tra chất lượng bếp thường xuyên đi kiểm tra đột xuất các cửa hàng. Ngoài ra, Phở 24 còn tổ chức một nhóm gọi là “khách hàng bí mật”, chuyên góp ý trên tinh thần “ham đóng góp”. Vị khách bí mật này sẽ tự chọn vào một hay nhiều quán Phở 24 bất kỳ để thưởng thức và họ phải trả lời cho Công ty một số câu hỏi. Sau đó Công ty sẽ trả cho họ số tiền mà họ đã dùng tại cửa hàng. Dĩ nhiên, các nhân viên của Phở 24 không hề biết về những “khách hàng bí mật” này.


Tuy nhiên, biện pháp này mới chỉ đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở khắp các cửa hàng Phở 24 trong cả nước mà chưa thể mang đến sự đồng bộ về hương vị. Ở từng cửa hàng khác nhau, mùi vị phở cũng có phần khác biệt nên người dùng cũng mất sự tin tưởng: họ có thể đến chỗ này mà không bao giờ đến chỗ kia, dù chung một hệ thống. Chưa kể, một số nhà hàng Phở 24 có bán kèm cả cơm, lẩu, một số khác thì không.


Bài toán chi phí cũng là điều mà các thương hiệu nhượng quyền phải tính toán để thuyết phục đối tác về tính khả thi của franchise. Đơn cử với Phở 24, phí nhượng quyền khoảng từ 15.000 – 20.000 USD/cửa hàng, chưa kể phí vận hành khoảng từ 3 đến 4% doanh thu của từng cửa hàng. Trong khi mức đầu tư ban đầu cho một cửa hàng Phở 24 từ khoảng 50.000 đến 60.000 USD (khoản tiền này do bên nhận quyền tự bỏ ra để đầu tư theo yêu cầu của nhà nhượng quyền).


Ngoài ra, một điều kiện quan trọng không kém là vị trí kinh doanh, vì theo các chuyên gia, có tới hơn 50% thành công của một cửa hàng nhượng quyền phụ thuộc vào địa điểm. Mặt bằng kinh doanh phải đủ rộng để đáp ứng đúng tiêu chuẩn, phải nằm ở khu trung tâm và đông người qua lại. Và đây cũng là tiêu chí để nhận diện thương hiệu. Một chủ nhận thương hiệu nhượng quyền tiết lộ rằng, chi phí này chiếm đến 25% tổng doanh thu của cửa hàng. Chưa kể họ luôn gặp khó khăn vì mặt bằng tại các đô thị lớn, đáp ứng tốt cho kinh doanh nhượng quyền ngày càng eo hẹp và doanh nghiệp luôn trong tư thế phải “giành giật” với các thương hiệu quốc tế.


Nếu như các thương hiệu nước ngoài là những chiến binh đã dày dạn kinh nghiệm trên thương trường franchise thì rõ ràng các thương hiệu của Việt Nam vẫn còn là lính mới. Một số chuyên gia thương hiệu cho rằng, sở dĩ các thương hiệu ẩm thực Việt Nam có thể nhượng quyền kinh doanh ở nước ngoài là do kết hợp được tính độc đáo, khác biệt của thương hiệu ẩm thực Việt (đã được thị trường nước ngoài biết đến, gợi sự tò mò cho thực khách) với khả năng đem lại lợi nhuận từ mô hình kinh doanh… Tuy nhiên, nhân rộng mô hình trong nước lại không dễ. Một lý do quan trọng là giá thuê mặt bằng ở các vị trí đắc địa cùng với các chi phí phải trả cho phía nhượng quyền khiến cho nhiều chủ đầu tư ngần ngại. Và khi những mặt bằng đẹp ở các trung tâm thành phố lớn được các thương hiệu nước ngoài “săn” gần hết thì các nhà đầu tư mới cũng ít dám mạo hiểm. Dễ dàng nhận thấy những thương hiệu nước ngoài đang mở rộng hoạt động franchise ở thị trường Việt Nam nhanh hơn các thương hiệu Việt.

Previous
Next Post »